Multimedia Đọc Báo in

Một số quy định về tố tụng dân sự

15:55, 13/11/2011

1. Hỏi: Quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự trong tố tụng dân sự được quy định như thế nào?

Trả lời:
- Theo quy định tại Điều 5, Bộ Luật Tố tụng dân sự thì đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó.
- Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, các đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi các yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không trái pháp luật và đạo đức xã hội.

2. Hỏi: Việc cung cấp chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự được quy dịnh ra sao?

Trả lời:
 - Theo quy định tại Điều 6, Bộ Luật Tố tụng dân sự thì các đương sự có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ cho Tòa án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.
Cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện, yêu cầu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, chứng minh như đương sự.
- Tòa án chỉ tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ trong những trường hợp do Bộ luật này quy định.

3. Hỏi: Tòa án có thẩm quyền giải quyết những vụ việc dân sự nào?

Trả lời:
Theo quy định tại Điều 25, 26 Bộ luật tố tụng dân sự thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp về dân sự và những yêu cầu về dân sự. Cụ thể như sau:
* Những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, gồm có:
+ Tranh chấp giữa cá nhân với cá nhân về quốc tịch Việt Nam.
+ Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản.
+ Tranh chấp về hợp đồng dân sự.
+ Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ (trừ trường hợp tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận được xem là tranh chấp về kinh doanh, thương mại).
+ Tranh chấp về thừa kế tài sản.
+ Tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
+ Tranh chấp về quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
+ Tranh chấp liên quan đến hoạt động nghiệp vụ báo chí theo quy định của pháp luật.
+ Các tranh chấp khác về dân sự mà pháp luật có quy định.
* Những yêu cầu về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, gồm có:
+ Yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc quyết định tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự.
+ Yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú và quản lý tài sản của người đó.
+ Yêu cầu tuyên bố một người mất tích, hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích.
+ Yêu cầu tuyên bố một người là đã chết, hủy bỏ quyết định tuyên bố một người là đã chết.
+ Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định về dân sự, quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Tòa án nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định về dân sự, quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Toà án nước ngoài mà không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam.
+ Các yêu cầu khác về dân sự mà pháp luật có quy định.

4. Hỏi: Đương sự trong vụ án dân sự bao gồm những ai?

Trả lời:
- Điều 56, Bộ Luật Tố tụng dân sự quy định đương sự trong vụ án dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
+ Nguyên đơn trong vụ án dân sự là người khởi kiện, người được cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm phạm.
Cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách cũng là nguyên đơn.
+ Bị đơn trong vụ án dân sự là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị người đó xâm phạm.
+ Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Toà án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Trong trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Toà án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

(Còn nữa)

Nguyễn Thị Thùy Trâm (Sở Tư pháp)

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.