Multimedia Đọc Báo in

Hỏi - đáp về Luật Viên chức

16:12, 11/12/2011

1. Viên chức là gì? Viên chức có những điểm khác biệt cơ bản nào so với công chức?

Trả lời:
Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật (Điều 2 Luật Viên chức).
Điểm khác biệt cơ bản của viên chức so với công chức là viên chức được tuyển dụng gắn với vị trí việc làm, thông qua chế độ hợp đồng làm việc và tiền lương được hưởng từ quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp công lập. Còn Công chức được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp và trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước; trừ công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập thì lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

2. Thế nào là hoạt động nghề nghiệp của viên chức?

Trả lời:
Theo quy định tại Điều 4 của Luật viên chức thì hoạt động nghề nghiệp của viên chức là việc thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ có yêu cầu về trình độ, năng lực, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật về viên chức và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Quyền và nghĩa vụ của viên chức có điểm gì mới so với công chức? Gồm những quyền và nghĩa vụ gì?

Trả lời:
* Viên chức là người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Do đó, các quyền và nghĩa vụ của viên chức cũng có những nội dung giống như công chức như quyền được hưởng lương và các chế độ liên quan đến lương, quyền về nghỉ ngơi.... Bên cạnh đó, do tính chất, đặc điểm lao động của viên chức là hoạt động mang tính chuyên môn nghiệp vụ nên Luật viên chức đã quy định các quyền của viên chức theo hướng mở hơn so với với công chức, nhằm tạo điều kiện để viên chức có thể phát huy tài năng, sức sáng tạo như: được hoạt động nghề nghiệp ngoài thời gian làm việc quy định trong hợp đồng làm việc (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác), được ký hợp đồng vụ, việc với cơ quan, tổ chức, đơn vị khác mà pháp luật không cấm nhưng phải hoàn thành nhiệm vụ được giao và có sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập;…Đồng thời Luật Viên chức cũng hoàn thiện hệ thống các nghĩa vụ của viên chức cho phù hợp với tính chất, đặc điểm hoạt động nghề nghiệp của Viên chức như những việc viên chức không được làm, nghĩa vụ của viên chức trong hoạt động nghề nghiệp…
* Viên chức có những quyền và nghĩa vụ:
- Quyền của viên chức: Quy định tại Điều 11 đến Điều 15 Luật Viên chức.
+ Về hoạt động nghề nghiệp: Được bảo đảm  trang bị,  thiết bị và các điều kiện làm việc; được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn,  nghiệp vụ; được quyết định vấn đề mang tính chuyên môn gắn với công việc hoặc nhiệm vụ được giao; được quyền từ chối thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ trái với quy định của pháp luật; được hưởng các quyền khác về hoạt động nghề nghiệp theo quy định của  pháp luật.
+ Về tiền lương và các chế độ liên quan đến tiền lương: Được trả lương tương xứng với vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp, chức vụ quản lý và kết quả thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ được giao; được hưởng phụ cấp và chính sách ưu đãi; tiền làm thêm giờ, tiền thưởng, tiền làm đêm, công tác phí và chế độ khác; được xét nâng lương theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị  sự nghiệp công lập.
 + Về nghỉ ngơi: Được nghỉ phép, nghỉ lễ, nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật; đối với lĩnh vực sự nghiệp đặc thù, viên chức được nghỉ việc và hưởng lương theo quy định của pháp luật; được nghỉ không hưởng lương trong trường hợp có lý do chính đáng và được sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
+ Về hoạt động kinh doanh và làm việc ngoài thời gian quy định:  Được ký hợp đồng vụ, việc với cơ quan, tổ chức, đơn vị khác mà pháp luật không cấm nhưng phải hoàn thành nhiệm vụ được giao và có sự  đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập. Được   hoạt động nghề nghiệp ngoài thời gian làm việc quy định trong hợp đồng làm việc; góp vốn nhưng không tham gia quản lý, điều hành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư  và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
 + Ngoài ra, viên chức được khen thưởng, tôn vinh, được tham gia hoạt động kinh tế xã hội; hưởng chính sách ưu đãi về nhà ở…; trường hợp bị thương hoặc chết do thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ được giao thì được xét hưởng chính sách như thương binh hoặc được xét để công nhận là  liệt sĩ theo quy định của pháp luật.
- Viên chức có nghĩa vụ: Được quy định tại các Điều 16, Điều 17,  Điều 18 Luật Viên chức.
+ Chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; có nếp sống lành mạnh, trung thực, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; thực hiện đúng các quy định, nội quy, quy chế làm việc của đơn vị sự nghiệp công lập; tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, thực hiện quy tắc ứng xử của  viên chức…
+ Trong hoạt động nghề nghiệp, có nghĩa vụ  thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ được giao bảo đảm yêu cầu về thời gian và chất lượng; thường xuyên học tập nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ; khi phục vụ nhân dân phải có thái độ lịch sự, tôn trọng, không hách dịch, cửa quyền, gây khó khăn phiền hà đối với nhân dân …
+ Đối với viên chức quản lý, ngoài việc thực hiện các nghĩa vụ chung của viên chức, còn có nghĩa vụ: Chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của đơn vị theo đúng chức trách, thẩm quyền được giao; thực hiện dân chủ, giữ gìn sự đoàn kết, đạo đức nghề nghiệp, phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đơn vị được giao quản lý, phụ trách; chịu trách nhiệm hoặc liên đới chịu trách nhiệm về việc thực hiện hoạt động nghề nghiệp của viên chức thuộc quyền quản lý, phụ trách.

(còn nữa)

Châu Thị Thu Thủy


Ý kiến bạn đọc