Multimedia Đọc Báo in

Hỏi - đáp về Luật Viên chức (Tiếp theo kỳ trước)

20:41, 18/12/2011

4.  Những điều Viên chức không được là4.  Những điều Viên chức không được làm?

Trả lời:
Theo quy định tại Điều 19 Luật Viên chức, Viên chức không được làm những việc:
- Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác công việc hoặc nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý bỏ việc; tham gia đình công.
- Sử dụng tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị và của nhân dân trái với quy định của pháp luật.
- Phân biệt đối xử dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức.
- Lợi dụng hoạt động nghề nghiệp để tuyên truyền chống lại chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước hoặc gây phương hại đối với thuần phong, mỹ tục, đời sống văn hóa, tinh thần của  nhân dân và xã hội.
- Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp.
- Những việc khác viên chức không được làm theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

5. Căn cứ tuyển dụng viên chức?

Trả lời:
Việc tuyển dụng Viên chức phải căn cứ vào nhu cầu công việc, vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp công lập. (Điều 20 Luật Viên chức).
Điểm khác cơ bản làm căn cứ tuyển dụng Viên chức là không căn cứ vào  chỉ tiêu biên chế như  tuyển dụng Công chức.

6. Cơ quan nào có thẩm quyền thực hiện tuyển dụng Viên chức?

Trả lời:
Theo quy định tại Điều 24 Luật Viên chức thì việc tuyển dụng Viên chức đối với đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện việc tuyển dụng và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ thì cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện việc tuyển dụng hoặc phân cấp cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện.

7. Viên chức làm việc theo hình thức nào?

Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 24 Luật Viên chức thì căn cứ kết quả tuyển dụng, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập ký kết hợp đồng làm việc với người trúng tuyển dụng viên chức.
Hợp đồng làm việc gồm hợp đồng làm việc xác định thời hạn (12 - 36 tháng) và Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn.

8. Đơn vị sự nghiệp công lập được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với Viên chức trong các trường hợp nào?

Trả lời:
Tại Khoản 1 Điều 29 Luật Viên chức quy định các trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với Viên chức:
- Có 02 năm liên tiếp bị phân loại đánh giá ở mức độ không hoàn thành nhiệm vụ;
- Bị buộc thôi việc do:
+ Chịu hình thức kỷ luật buộc thôi việc do vi phạm các quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ;
+ Bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng.
- Trong trường hợp Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn bị ốm đau đã điều trị 12 tháng liên tục (đã điều trị 06 tháng liên tục đối với hợp đồng làm việc xác định thời hạn) mà khả năng làm việc chưa hồi phục. Khi sức khỏe của Viên chức bình phục thì được xem xét để ký tiếp hợp đồng làm việc.
- Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của Chính phủ làm cho đơn vị sự nghiệp công lập buộc phải thu hẹp quy mô, khiến vị trí việc làm mà viên chức đang đảm nhận không còn;
- Khi đơn vị sự nghiệp công lập chấm dứt hoạt động theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

(còn nữa)

Châu Thị Thu Thủy

[links()]
 


Ý kiến bạn đọc