Dùng tên khai sinh hay tên thường gọi khi đi đăng ký khai sinh cho con?
20:21, 07/01/2012
Từ khi Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27-12-2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch có hiệu lực thì công tác hộ tịch đã được triển khai một cách thống nhất, đồng bộ, hiệu quả hơn, hạn chế tình trạng sai sót khi đăng ký các sự kiện hộ tịch.
Nhưng trước khi Nghị định số 158/2005/NĐ-CP có hiệu lực thì công tác quản lý hộ tịch tại các địa phương trên cả nước vẫn còn sơ sài, thiếu chặt chẽ, xảy ra nhiều thiếu sót, hạn chế và vì thế hậu quả đến nay vẫn còn tồn tại nhưng chưa có hướng dẫn giải quyết, gây khó khăn cho cán bộ tư pháp hộ tịch cấp huyện, xã trong việc giải quyết những sự kiện hộ tịch khi được yêu cầu như hồ sơ hộ tịch, sổ hộ tịch bị thất lạc; giấy khai sinh tự ý tẩy xóa làm sai nội dung đăng ký trong Sổ hộ tịch dẫn đến hàng loạt các văn bằng, giấy tờ, chứng chỉ về sau đều không khớp với sổ gốc hộ tịch; hoặc Mẫu bản chính Giấy khai sinh cũ trước kia không có phần ghi về quê quán, dân tộc vẫn tùy ý thực hiện việc bổ sung hộ tịch... Những vấn đề tồn tại này cần có có hướng dẫn thực hiện, tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch.
Xin đề cập đến một sự kiện hộ tịch đã xảy ra và có những vướng mắc, bất cập trên thực tế, gây trở ngại cho các đương sự thực hiện các quyền của mình. Ông Nguyễn Văn B, năm nay 61 tuổi, đã thất lạc bản chính Giấy khai sinh, hiện chỉ còn sơ yếu lý lịch đảng viên. Sơ yếu lý lịch của ông B ghi cụ thể tên khai sinh là Nguyễn Văn A, tên thường gọi là Nguyễn Văn B, do đó các giấy tờ liên quan đến nhân thân của ông về sau như Hộ khẩu, CMND đều ghi tên khai sinh và tên thường gọi. Khi đăng ký khai sinh cho con thì trong bản chính Giấy khai sinh của người con, về phần người cha chỉ ghi tên thường gọi là Nguyễn Văn B. Khi ông B cùng gia đình chuyển hộ khẩu thường trú về tỉnh Q, huyện Đ thì cơ quan công an nơi nhập khẩu không chấp nhận nhập khẩu cho người con vì cho rằng trong bản chính giấy khai sinh ghi không đầy đủ, tức là còn thiếu phần ghi tên của người cha (tên khai sinh) trong bản chính Giấy khai sinh và yêu cầu về nơi cư trú trước đây để sửa đổi, bổ sung bản chính Giấy khai sinh của người con mới đồng ý giải quyết cho nhập khẩu. Khi về nơi thường trú để yêu cầu sửa đổi, bổ sung Bản chính giấy khai sinh của người con thì cán bộ phòng Tư pháp cấp huyện thụ lý lúng túng, không có hướng xử lý vì Nghị định số 158/2005/NĐ-CP không hướng dẫn, nên đã đề ra nhiều hướng xử lý như:
Cách 1, thực hiện cải chính hộ tịch cho người con về phần ghi tên cha trong bản chính Giấy khai sinh từ tên thường gọi Nguyễn Văn B thành tên khai sinh của người cha Nguyễn Văn A.
Cách 2, thực hiện bổ sung hộ tịch trong bản chính giấy khai sinh của người con về phần ghi tên người cha gồm tên khai sinh và tên thường gọi.
Thực tế sự kiện hộ tịch trên đã xuất hiện tuy không nhiều và hiện nay cũng chưa có hướng giải quyết vì pháp luật chưa quy định; vì thế giải quyết theo hướng nào đi nữa cũng chưa chắc đúng và đủ, cũng như chưa chắc được sự chấp nhận của cơ quan đăng ký nhập khẩu khi chuyển nơi cư trú. Quan điểm của người viết cho rằng, cần giải quyết theo cách một là phù hợp, vì thông thường tên thường gọi là chỉ dùng trong giao tiếp hằng ngày, còn đối với tên khai sinh là tên được sử dụng trong các giao dịch dân sự, các giấy tờ về nhân thân trong các quan hệ dân sự, hành chính và tố tụng...Tuy nhiên, quan điểm này chỉ là ý kiến cá nhân xin nêu ra cùng bạn đọc được biết cùng trao đổi nhằm đề xuất hướng giải quyết, cũng như có ý kiến góp ý để cơ quan nhà nước có thẩm quyền hướng dẫn kịp thời nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch hiện nay.
Đỗ Văn Nhân
Ý kiến bạn đọc