Multimedia Đọc Báo in

Một số quy định về bảo trợ xã hội

20:19, 07/01/2012

1. Đối tượng bảo trợ xã hội nào thuộc diện trợ cấp hằng tháng do xã, phường, thị trấn quản lý?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 67, đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện trợ cấp hằng tháng do xã, phường, thị trấn quản lý gồm: 
 
a. Trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em bị bỏ rơi, mất nguồn nuôi dưỡng; trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại là mẹ hoặc cha mất tích theo quy định hoặc không đủ năng lực, khả năng để nuôi dưỡng theo quy định; trẻ em có cha và mẹ, hoặc cha hoặc mẹ đang trong thời gian chấp hành hình phạt tù tại trại giam, không còn người nuôi dưỡng; trẻ em nhiễm HIV/AIDS thuộc hộ gia đình nghèo.
Người chưa thành niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi nhưng đang đi học văn hóa, học nghề, có hoàn cảnh như trẻ em nêu trên.
 
b. Người cao tuổi cô đơn, thuộc hộ gia đình nghèo; người cao tuổi còn vợ hoặc chồng nhưng già yếu, không có con, cháu, người thân thích để nương tựa, thuộc hộ gia đình nghèo theo quy định. 
 
c. Người từ 85 tuổi trở lên không có lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội.
 
d. Người tàn tật nặng không có khả năng lao động (là người từ đủ 15 tuổi trở lên bị tàn tật, giảm thiểu chức năng không thể lao động, được Hội đồng xét duyệt cấp xã công nhận hoặc bệnh viện cấp huyện trở lên xác nhận)  hoặc không có khả năng tự phục vụ (là người từ đủ 15 tuổi trở lên bị tàn tật, giảm thiểu chức năng không thể lao động, được Hội đồng xét duyệt cấp xã công nhận hoặc bệnh viện cấp huyện trở lên xác nhận);
 
đ. Người mắc bệnh tâm thần thuộc các loại tâm thần phân liệt, rối loạn tâm thần đã được cơ quan y tế chuyên khoa tâm thần chữa trị nhiều lần nhưng chưa thuyên giảm.
 
e. Người nhiễm HIV/AIDS không còn khả năng lao động (là người bị nhiễm HIV/AIDS theo xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền, không còn khả năng lao động được Hội đồng xét duyệt cấp xã công nhận hoặc bệnh viện cấp huyện trở lên xác nhận), thuộc hộ gia đình nghèo.
 
g. Gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi.
 
h. Hộ gia đình có từ 2 người trở lên tàn tật nặng, không có khả năng tự phục vụ. 
 
i. Người đơn thân (là người không có chồng hoặc vợ; chồng hoặc vợ đã chết; chồng hoặc vợ mất tích theo quy định) thuộc diện hộ nghèo, đang nuôi con nhỏ dưới 16 tuổi; trường hợp con đang đi học văn hóa, học nghề được áp dụng đến dưới 18 tuổi.
 
2. Những đối tượng nào được xem xét tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội hoặc nhà xã hội tại cộng đồng ?
 
Trả lời: Điều 5 Nghị định 67 và khoản 2, khoản 4 Điều 5 Nghị định 68 quy định: Các đối tượng nêu tại các khoản a, b, d, đ, e mục 1 trên đây thuộc diện đặc biệt khó khăn không tự lo được cuộc sống và các đối tượng xã hội cần sự bảo vệ khẩn cấp (gồm: Trẻ em bị bỏ rơi; nạn nhân của bạo lực gia đình; nạn nhân bị xâm hại tình dục; nạn nhân bị buôn bán; nạn nhân bị cưỡng bức lao động) và các đối tượng xã hội khác (do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định) thì được xem xét tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội hoặc nhà xã hội tại cộng đồng.
 
3. Đối tượng nào được trợ giúp đột xuất?  
 
Trả lời: Tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 67, quy định đối tượng được trợ giúp đột xuất (một lần) là những người, hộ gia đình gặp khó khăn do hậu quả thiên tai hoặc những lý do bất khả kháng khác gây ra, bao gồm:
 
a. Hộ gia đình có người chết, mất tích;
 
b. Hộ gia đình có người bị thương nặng (là người bị thương phải cấp cứu hoặc phải điều trị nội trú tại cơ sở y tế);
 
c. Hộ gia đình có nhà bị đổ, sập, trôi, cháy, hỏng nặng;
 
d. Hộ gia đình bị mất phương tiện sản xuất, lâm vào cảnh thiếu đói;
 
đ. Hộ gia đình phải di dời khẩn cấp do nguy cơ sạt lở đất, lũ quét (là hộ gia đình phải di dời khẩn cấp nhà ở từ nơi ở cũ đến nơi ở mới do nguy cơ sạt lở đất, lũ quét theo Quyết định của Chủ tịch UBND cấp huyện);
 
e. Người bị đói do thiếu lương thực;
 
g. Người gặp rủi ro ngoài vùng cư trú (ngoài địa bàn xã, phường, thị trấn nơi cư trú) dẫn đến bị thương nặng, gia đình không biết để chăm sóc;
 
h. Người lang thang xin ăn trong thời gian tập trung chờ đưa về nơi cư trú.
 
(Còn nữa)
Phương Hoa 
 

Ý kiến bạn đọc