Multimedia Đọc Báo in

Tình huống pháp lý

Công chứng việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch theo Điều 44 Luật Công chứng năm 2006

08:56, 12/02/2012
Tại Khoản 2, Điều 44 Luật Công chứng năm 2006 quy định: “…2. Người thực hiện việc công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch phải là công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng đó. Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng chấm dứt hoạt động hoặc giải thể thì công chứng việc thuộc tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch”.

Thực tiễn triển khai quy định nêu trên gặp một vấn đề vướng mắc liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung và hủy bỏ hợp đồng. Việc Luật Công chứng năm 2006 có hiệu lực pháp luật đã tách bạch giữa hoạt động công chứng và chứng thực, đồng thời các tỉnh, thành phố trên cả nước đang đẩy mạnh việc chuyển giao thẩm quyền chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện quyền của người sử dụng đất về cho các tổ chức hành nghề công chứng. Ví dụ: Tháng 6-2009 tỉnh A quyết định chuyển giao thẩm quyền chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện quyền của người sử dụng đất của xã, phường, thị trấn tại huyện X về cho Phòng Công chứng, tất cả các hồ sơ liên quan đến văn bản, hợp đồng tại xã, phường, thị trấn thì được lưu trữ tại đơn vị theo quy định của pháp luật về lưu trữ. Tháng 12-2009, ông Trần Văn B đến Phòng Công chứng yêu cầu công chứng việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất đã được chứng thực tại UBND phường V vào tháng 5-2009. Đã có hai luồng quan điểm của công chứng viên khi thụ lý việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng.

Thứ nhất, công chứng viên rất lúng túng và từ chối thực hiện việc công chứng hợp đồng vì dẫn chiếu tại Khoản 2 Điều 44 Luật Công chứng thì, “Người thực hiện việc công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch phải là công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng đó. Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng chấm dứt hoạt động hoặc giải thể thì công chứng việc thuộc tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch”. Do vậy, công chứng viên đã từ chối công chứng và đề nghị người yêu cầu công chứng về UBND phường V để được chứng thực việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng đã được chứng thực trước đây, tuy nhiên UBND phường V không còn thẩm quyền chứng thực sau khi có quyết định của chuyển giao thẩm quyền, thế là hồ sơ yêu cầu công chứng bị “treo” không thực hiện sửa đổi, bổ sung hợp đồng.

Thứ hai, công chứng viên không căn cứ vào tại Khoản 2 Điều 44 Luật Công chứng để từ chối công chứng mà căn cứ vào yêu cầu thực tiễn, thời điểm chuyển giao mà thụ lý giải quyết yêu cầu của đương sự. Công chứng viên đã yêu cầu UBND Phường V nơi lưu trữ hồ sơ cung cấp bản chính hiện lưu trữ tại đơn vị liên quan đến nội dung sửa đổi, bổ sung hợp đồng của đương sự và thực hiện việc công chứng. Sau khi thực hiện việc công chứng, công chứng viên tiến hành trả hồ sơ kèm theo bản công chứng được sửa đổi, bổ sung về UBND phường V để lưu trữ theo quy định. 

Từ tình huống pháp lý liên quan đến hợp đồng công chứng nêu trên, nếu theo cách lý giải của công chứng viên thì hướng giải quyết theo yêu cầu của đương sự theo cách nào đi chăng nữa thì cũng có cơ sở, có tình, có lý, không thể khẳng định công chứng viên đúng hay sai trong trường hợp này, vì thực tế các căn cứ pháp lý để giải quyết vấn đề vẫn chưa chặt chẽ khi một số địa phương thực hiện việc chuyển giao thẩm quyền chứng thực hợp đồng về cho các tổ chức hành nghề công chứng. Thiết nghĩ, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Điều 44 Luật Công chứng hoặc có văn bản hướng dẫn nghiệp vụ để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong khi áp dụng các quy định của Luật Công chứng trong quá trình công chứng các loại hợp đồng, giao dịch theo hướng nêu tại luồng quan điểm thứ hai, tức là thụ lý để giải quyết theo yêu cầu của đương sự trong thời điểm mà các địa phương trên cả nước đã và đang thực hiện lộ trình chuyển giao thẩm quyền chứng thực hợp đồng về các tổ chức hành nghề công chứng.

Đỗ Văn Nhân


Ý kiến bạn đọc