Công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em
1. Trẻ em là ai? Tại sao trẻ em lại cần phải được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục?
Theo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 thì trẻ em là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi. Về mặt sinh học, đó là những người chưa phát triển hoàn thiện cả về thể chất lẫn tinh thần nên cần phải được bảo vệ, chăm sóc, giáo dục đặc biệt; về mặt thực tế, đó là những chủ nhân tương lai của đất nước nên các em phải có cơ hội hoặc được tạo điều kiện, bằng luật hoặc các biện pháp khác để giúp các em phát triển tốt cả về thể chất, tinh thần, đạo đức và xã hội.
2. Việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em được quy định trong những văn bản pháp luật nào?
Quyền của trẻ em đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận tại Tuyên bố Giơnevơ năm 1924, Tuyên bố của Liên hợp quốc năm 1959, Công ước của Liên hợp quốc năm 1989 (đã được hầu hết các thành viên của Liên hợp quốc phê chuẩn, trong đó có Việt Nam).
Ở nước ta, việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em đã được Hiến pháp ghi nhận “Trẻ em được gia đình, nhà nước và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục”. Hiện tại, ngoài Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004; Nghị định số 7-2011-NĐ-CP ngày 22-8-2011 hướng dẫn thi hành Luật (thay thế Nghị định số 36-2005-NĐ-CP ngày 17-3-2005); Nghị định số 9/12011/NĐ ngày 17-10-2011 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này (thay thế các quy định tại Nghị định số 114-2006-NĐ-CP ngày 3-10-2006) còn có rất nhiều văn bản, chính sách liên quan khác như: về hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho trẻ em; phát triển giáo dục mầm non, phổ cập tiểu học, hỗ trợ chi phí học tập; chế độ bảo trợ xã hội đối với những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt…
3. Các nguyên tắc cơ bản của việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em là gì?
Việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em dựa trên nguyên tắc cơ bản là không phân biệt đối xử. Theo đó, mọi trẻ em, không phân biệt gái - trai, con trong giá thú - con ngoài giá thú, con đẻ - con nuôi, con riêng - con chung; không phân biệt dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội, chính kiến của cha mẹ hoặc người giám hộ, đều được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, được hưởng các quyền theo quy định của pháp luật, tất cả mọi hoạt động được thực hiện đều vì lợi ích tốt nhất của trẻ.
4. Vậy trẻ em có những quyền gì?
Theo pháp luật, trẻ em có 10 quyền (được quy định từ Điều 11 đến Điều 20 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em); về cơ bản, có thể chia làm các nhóm sau:
- Quyền được sống còn và được bảo vệ, gồm: Quyền được khai sinh và có quốc tịch (kể cả trẻ vô thừa nhận, bị bỏ rơi…); được chăm sóc và nuôi dưỡng; được sống cùng cha mẹ (trừ trường hợp phải cách ly vì lợi ích của trẻ); được tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự.
- Quyền được phát triển, gồm: Quyền được chăm sóc sức khỏe (trẻ dưới 6 tuổi được khám, chữa bệnh miễn phí tại các cơ sở y tế công lập…); được học tập (Nhà nước đã thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học không phải trả học phí tại các cơ sở giáo dục công lập); được vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch; được phát triển năng khiếu.
- Quyền được tham gia, gồm: Quyền được có tài sản và được tiếp cận thông tin, bày tỏ ý kiến và tham gia hoạt động xã hội.
5. Bên cạnh các quyền thì trẻ em có nghĩa vụ gì không?
Pháp luật không quy định nghĩa vụ của trẻ em, chỉ quy định duy nhất trẻ em có bổn phận tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sự chăm sóc, bảo vệ, giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội để các em phát triển tốt cả về thể chất, tinh thần, đạo đức như: biết kính trên, nhường dưới; giúp đỡ người khó khăn; học tập, rèn luyện sức khỏe; không được tự ý bỏ học, bỏ nhà sống lang thang, đánh bạc, sử dụng rượu, bia, thuốc lá, chất kích thích khác có hại cho sức khỏe…
(còn nữa)
Nguyễn Thao
Ý kiến bạn đọc