Multimedia Đọc Báo in

Công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em

09:40, 23/03/2012

(Tiếp theo kỳ trước)*

6. Thế nào là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt?

Theo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thì đó là những trẻ em có hoàn cảnh không bình thường về thể chất hoặc tinh thần, không đủ điều kiện để thực hiện quyền cơ bản và hòa nhập với gia đình, cộng đồng, (gồm: Trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi; trẻ em lang thang; trẻ em khuyết tật, tàn tật; trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học; trẻ em nhiễm HIV/AIDS; trẻ em phải làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại hoặc phải làm việc xa gia đình; trẻ em bị xâm hại tình dục; trẻ em nghiện ma túy; trẻ em vi phạm pháp luật).

7. Việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thì có gì khác so với trẻ em bình thường?

Những trẻ em này cần được chú trọng hơn trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục. Cụ thể: Phải coi trọng việc phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn và kịp thời xử lý các hành vi để trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; kịp thời giải quyết, giảm nhẹ hoàn cảnh đặc biệt của trẻ em; kiên trì trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt phục hồi sức khỏe, tinh thần và giáo dục đạo đức.

Việc chăm sóc, nuôi dưỡng những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được thực hiện chủ yếu tại gia đình hoặc gia đình thay thế; nếu không có 2 thành phần này thì mới thực hiện tại cơ sở trợ giúp trẻ em. Trong giáo dục phải tạo điều kiện cho các em được học tập hòa nhập hoặc được học tập ở cơ sở giáo dục chuyên biệt.

8. Có phải mọi trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đều được hưởng chính sách bảo vệ, chăm sóc, giáo dục như nhau?

Tùy từng nhóm đối tượng trẻ em đặc biệt mà có chính sách bảo vệ, chăm sóc, giáo dục khác nhau, cụ thể:

- Đối với trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi: Việc cần thiết là tìm cho các em có gia đình thay thế, nếu không có thì phải được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp trẻ em công lập, ngoài công lập.

- Đối với trẻ em khuyết tật, tàn tật, trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học: Cần sớm phát hiện bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng cho các em; tổ chức các lớp học hòa nhập, lớp học dành cho trẻ em khuyết tật, tàn tật để các em được học văn hóa, học nghề và tham gia hoạt động xã hội.

- Đối với trẻ em nhiễm HIV/AIDS: Không được phân biệt đối xử với các em; tạo điều kiện để các em được chữa bệnh, nuôi dưỡng tại gia đình hoặc tại cơ sở trợ giúp trẻ em.

- Đối với trẻ em phải làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại, trẻ em phải làm việc xa gia đình: Phải giải quyết tình trạng này, tạo điều kiện cho các em được học nghề, làm công việc phù hợp với sức khỏe, lứa tuổi trong phạm vi địa phương và được sống trong môi trường an toàn, được chăm sóc sức khỏe, học văn hóa, tu dưỡng đạo đức, phẩm chất.

- Đối với trẻ em lang thang: Cần giúp đỡ đưa các em trở về với gia đình. Nếu các em đi lang thang cùng gia đình thì yêu cầu, tạo điều kiện cho gia đình các em được định cư, ổn định cuộc sống. Nếu trẻ em lang thang không còn nơi nương tựa thì được tổ chức chăm sóc, nuôi dưỡng tại gia đình thay thế hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em; đối với trẻ em lang thang của hộ nghèo thì được ưu tiên, giúp đỡ để xóa đói, giảm nghèo… nhằm đảm bảo quyền lợi cho các em được sống trong môi trường an toàn, không rơi vào tệ nạn xã hội.

- Đối với trẻ em bị xâm hại tình dục: Cần tư vấn, phục hồi sức khỏe, tinh thần và tạo điều kiện để ổn định cuộc sống cho các em; đồng thời, cần có biện pháp giáo dục, phòng ngừa, ngăn chặn và tố cáo hành vi xâm hại tình dục trẻ em.

- Đối với trẻ em nghiện ma túy: Cần phải tổ chức cai nghiện tại gia đình hoặc tại cơ sở cai nghiện cho trẻ em.

- Đối với trẻ em vi phạm pháp luật: Cần giúp đỡ các em sửa chữa sai lầm, có ý thức tôn trọng pháp luật, tôn trọng quy tắc của đời sống xã hội và sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.

Nguyễn Thao

*Xem từ số báo ra ngày 18-3-2012


Ý kiến bạn đọc