Công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em
(Tiếp theo kỳ trước)*
9. Pháp luật có quy định gì để bảo đảm cho các quyền của tất cả trẻ em được thực hiện trong thực tế?
Để thực hiện điều này, pháp luật đã quy định rất cụ thể trách nhiệm của gia đình, nhà trường, xã hội trong bảo đảm các quyền cho trẻ em (chẳng hạn như đối với quyền được khai sinh thì cha mẹ, người giám hộ là người có trách nhiệm phải đi đăng ký khai sinh cho trẻ em đúng thời hạn, UBND cấp xã là người có trách nhiệm thực hiện việc khai sinh cho trẻ em; đối với quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng thì người có trách nhiệm thực hiện là cha mẹ, người giám hộ, riêng đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thì đó là trách nhiệm của xã hội…). Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định xử lý nghiêm minh về mặt hành chính, hình sự đối với những hành vi vi phạm quyền của trẻ em.
10. Nếu cha, mẹ bỏ rơi con, người giám hộ bỏ rơi trẻ em được mình giám hộ; không thực hiện việc chăm sóc, nuôi dưỡng đối với trẻ em thì bị xử lý ra sao?
Theo Nghị định số 91/2011/NĐ-CP ngày 17-10-2011 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thì người có hành vi này sẽ bị phạt từ 5-10 triệu đồng và buộc phải thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, nếu người mẹ nào bỏ rơi con mới đẻ dẫn đến đứa trẻ đó bị chết thì sẽ bị xử lý hình sự theo Bộ luật Hình sự năm 1999, cụ thể là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng – 2 năm.
11. Người dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc, khống chế trẻ em đi lang thang; lợi dụng trẻ em, trẻ em lang thang để trục lợi có bị xử phạt không?
Theo Điều 4 Nghị định 71/NĐ-CP ngày 22-8-2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Điều 10 và các Khoản 2, 3 Điều 13 Nghị định 91/2011/NĐ-CP thì đây là những hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt hành chính như sau:
- Nếu cha, mẹ, người giám hộ bắt trẻ em đi lang thang kiếm sống thì sẽ bị phạt từ 1-3 triệu đồng.
- Những người thông qua việc nói chuyện, dùng tài liệu hoặc hành vi khác, dùng tiền, vật chất, uy tín, hoặc lợi ích khác để dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc, khống chế trẻ em bỏ nhà đi lang thang sẽ bị phạt từ 3-10 triệu đồng, buộc tiêu hủy tài liệu khống chế trẻ em.
- Còn những người lợi dụng trẻ em, trẻ em lang thang nhằm trục lợi (cho thuê, cho mượn trẻ em để xin ăn; bắt trẻ em đi xin ăn, bán vé số, hàng rong…), sẽ bị phạt từ 5 – 20 triệu đồng, nộp lại số tiền do vi phạm mà có còn có thể phải chịu mọi chi phí để đưa trẻ em trở về với gia đình, gia đình thay thế hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em.
12. Cha mẹ dạy con bằng cách đánh đập, bắt nhịn đói, làm tổn thương thể xác, tinh thần trẻ… có vi phạm pháp luật không? Nếu có thì bị xử lý thế nào?
Không riêng gì cha mẹ mà bất kỳ ai, với mục đích gì, kể cả với mục đích dạy dỗ, nếu đánh đập, xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khỏe; hành hạ, ngược đãi trẻ em (bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách; lăng nhục, chửi mắng, đe dọa; dùng các biện pháp trừng phạt làm trẻ tổn thương về thể xác, tinh thần…) thì đều bị xử lý theo pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ hành vi và hậu quả xảy ra mà người đó sẽ bị xử lý hành chính theo Khoản 2 Điều 13 Nghị định 91/2011/NĐ-CP (bị phạt cảnh cáo hoặc phạt từ 1-5 triệu đồng và phải chịu chi phí khám, chữa bệnh cho trẻ em nếu có) hoặc bị truy cứu hình sự về một trong các tội: Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; tội hành hạ người khác…
Nguyễn Thao
Ý kiến bạn đọc