Tìm hiểu Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo
32. Ở địa phương, thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức trong cơ quan hành chính nhà nước được quy định như thế nào?
Trả lời: Được quy định như sau:
- Chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức do mình quản lý trực tiếp.
- Chủ tịch UBND cấp huyện thuộc tỉnh có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện và cán bộ, công chức do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp.
- Người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn trực thuộc cơ quan mình và cán bộ, công chức do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp.
- Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp huyện, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và cán bộ, công chức do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp.
33. Vậy cán bộ, công chức trong cơ quan khác của Nhà nước ở địa phương thì ai có thẩm quyền giải quyết?
Trả lời:
- Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các cấp giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của công chức do mình quản lý trực tiếp; của Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát cấp dưới.
- Người đứng đầu cơ quan khác của Nhà nước có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của công chức do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp.
- Cơ quan có thẩm quyền quản lý đối với cán bộ là đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ do mình quản lý.
34. Thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ của viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc về ai?
Trả lời:
- Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập có thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ của viên chức do mình tuyển dụng, bổ nhiệm, quản lý trực tiếp.
- Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập có thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ của viên chức quản lý do mình bổ nhiệm.
35. Cán bộ, công chức, viên chức của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội khi có đơn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ thì thẩm quyền giải quyết thuộc về ai?
Trả lời: Thẩm quyền giải quyết thuộc về người đứng đầu cơ quan của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội trực tiếp quản lý cán bộ, công chức, viên chức đó.
36. Ai có thẩm quyền giải quyết đơn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của những người không phải là cán bộ, công chức, viên chức?
Trả lời: Thẩm quyền giải quyết thuộc về người đứng đầu cơ quan, đơn vị quản lý trực tiếp người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ mà không phải là cán bộ, công chức, viên chức đó.
(Còn nữa)
Mạnh Hùng
Ý kiến bạn đọc