Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo

06:26, 29/06/2012

(Tiếp theo kỳ trước)*

28. Thời hạn giải quyết tố cáo là bao nhiêu ngày?

Trả lời: Thời hạn giải quyết tố cáo là 60 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết là 90 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết. Trường hợp cần thiết, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo có thể gia hạn giải quyết một lần nhưng không quá 30 ngày; đối với vụ việc phức tạp thì không quá 60 ngày.

29. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết tố cáo có trách nhiệm gì?

Trả lời: Có các trách nhiệm sau:

- Tiếp người tố cáo, tiếp nhận và giải quyết tố cáo theo đúng quy định của pháp luật; xử lý nghiêm minh người vi phạm; áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín, việc làm, bí mật cho người tố cáo; bảo đảm quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo được thi hành nghiêm chỉnh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định xử lý của mình.

- Bố trí trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân để tiếp nhận tố cáo, khiếu nại, kiến nghị, phản ánh.

- Chịu trách nhiệm trước pháp luật và bị xử lý nghiêm minh, trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật. Nếu cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo mà không tiếp nhận, không giải quyết theo đúng quy định, thiếu trách nhiệm trong việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo hoặc cố ý giải quyết tố cáo trái pháp luật.

30. Cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm gì trong việc phối hợp giải quyết tố cáo?

Trả lời: Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ thông tin, tài liệu có liên quan đến việc tố cáo có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu theo yêu cầu của người có thẩm quyền giải quyết tố cáo trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu; trường hợp không cung cấp, cung cấp không đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu theo yêu cầu thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.

31. Thẩm quyền giải quyết tố cáo được xác định theo nguyên tắc gì?

Trả lời: Được xác định theo các nguyên tắc sau:

- Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức đó giải quyết.

Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó giải quyết.

-. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của nhiều cơ quan, tổ chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý cán bộ, công chức, viên chức bị tố cáo phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan giải quyết.

- Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức có dấu hiệu tội phạm do cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

(Còn nữa)

Mạnh Hùng


Ý kiến bạn đọc