Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu về Luật Tố tụng hành chính

05:08, 13/07/2012

1. Luật Tố tụng hành chính quy định về những nội dung gì?

Luật Tố tục hành chính quy định về những nội dung sau:

- Nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hành chính;

- Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng;

- Quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan;

- Trình tự, thủ tục khởi kiện, giải quyết vụ án hành chính, thi hành án hành chính và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hành chính.

2. Có phải tiếng Việt là tiếng bắt buộc dùng trong tố tụng hành chính không?

Theo quy định tại Điều 22 của Luật thì tiếng nói và chữ viết dùng trong Tố tụng hành chính là tiếng Việt. Người tham gia Tố tụng hành chính cũng có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình nhưng trong trường hợp này, phải có người phiên dịch. Như vậy tiếng Việt là tiếng bắt buộc trong tố tụng hành chính.

3. Những ai được coi là đương sự trong tố tụng hành chính?

Trong tố tụng hành chính thì người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được coi là đương sự.

4. Vấn đề bình đẳng trong Tố tụng hành chính được quy định như thế nào?

Theo quy định tại Điều 10 của Luật thì vấn đề bình đẳng được quy định như sau:

- Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, trước Tòa án không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp;      

- Mọi cơ quan, tổ chức đều bình đẳng không phụ thuộc vào hình thức tổ chức, hình thức sở hữu và những vấn đề khác;

- Các đương sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong quá trình giải quyết vụ án hành chính. Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện để họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.

5. Ai có quyền khởi kiện trong vụ án hành chính?

Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện vụ án hành chính để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

6. Quyền quyết định và tự định đoạt của người khởi kiện được quy định ra sao?

Trong vụ án hành chính, người khởi kiện có quyền quyết định việc khởi kiện vụ án hành chính. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ án hành chính khi có đơn khởi kiện của người khởi kiện. Trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, người khởi kiện có quyền rút, thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện của mình.

7. Việc bồi thường thiệt hại trong vụ án hành chính được quy định như thế nào?

Theo quy định tại Điều 6 của Luật thì: Người khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hành chính có thể đồng thời yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp này các quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và pháp luật về tố tụng dân sự được áp dụng để giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Trường hợp trong vụ án hành chính có yêu cầu bồi thường thiệt hại mà chưa có điều kiện để chứng minh thì Tòa án có thể tách yêu cầu bồi thường thiệt hại để giải quyết sau bằng một vụ án dân sự khác theo quy định của pháp luật.

8.  Án phí, lệ phí và chi phí trong trong tố tụng hành chính được quy định như thế nào?

Theo quy định tại Điều 27 của Luật thì các vấn đề về án phí, lệ phí và chi phí tố tụng được thực hiện theo quy định của pháp luật.

(còn nữa)

Nguyễn Đình Hải (Sở Tư pháp)


Ý kiến bạn đọc