Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu về Luật Tố tụng hành chính

10:38, 10/08/2012

27. Thời hiệu khởi kiện được quy định như thế nào?

Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà cá nhân, cơ quan, tổ chức được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án hành chính bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.

28. Các trường hợp cụ thể trong vụ án hành chính quy định về thời hiệu khởi kiện ra sao?

Thời hiệu khởi kiện đối với từng trường hợp cụ thể được quy định như sau:

- 1 năm, kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc;

- 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh;

- Còn đối với đối tượng khởi kiện là danh sách cử tri thì thời hiệu khởi kiện là từ ngày nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri hoặc kết thúc thời hạn giải quyết khiếu nại mà không nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri đến trước ngày bầu cử 5 ngày.

29. Nếu người khởi kiện gặp trở ngại khách quan mà không khởi kiện đúng thời hạn quy định thì thời gian đó có được tính vào thời hiệu khởi kiện không?

Trường hợp vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác làm cho người khởi kiện không khởi kiện được trong thời hạn theo quy định của pháp luật thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác không được tính vào thời hiệu khởi kiện.

30. Đơn khởi kiện trong vụ án hành chính gồm những nội dung gì?

Đơn khởi kiện gồm những nội dung sau:

- Ngày, tháng, năm làm đơn;

- Tòa án được yêu cầu giải quyết vụ án hành chính;

- Tên, địa chỉ của người khởi kiện, người bị kiện;

- Nội dung quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, nội dung giải quyết khiếu nại về danh sách cử tri hoặc tóm tắt diễn biến của hành vi hành chính;

- Nội dung quyết định giải quyết khiếu nại (nếu có);

- Các yêu cầu đề nghị Tòa án giải quyết;

- Cam đoan về việc không đồng thời khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.

Ngoài ra, kèm theo đơn khởi kiện phải có các tài liệu chứng minh cho yêu cầu của người khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp như tài liệu về đối tượng khởi kiện, tài liệu chứng minh thiệt hại (nếu có yêu cầu bồi thường).

31. Đơn kiện có cần phải ký xác nhận không?

Đơn kiện cần phải có xác nhận của cá nhân, tổ chức, cụ thể:

- Người khởi kiện là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ;

- Người khởi kiện là cơ quan, tổ chức thì người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn.

- Trường hợp người khởi kiện là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ thì đơn khởi kiện do người đại diện theo pháp luật của những người này ký tên hoặc điểm chỉ.

32. Việc gửi đơn khởi kiện được tiến hành ra sao?

- Người khởi kiện có thể gửi đơn khởi kiện và tài liệu kèm theo đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết thông qua các phương thức sau như sau:

+ Nộp trực tiếp tại Tòa án.

+ Gửi qua đường bưu điện.

- Ngày khởi kiện được tính từ ngày đương sự nộp đơn tại Tòa án hoặc ngày có dấu bưu điện nơi gửi.

 (Còn nữa)

Nguyễn Đình Hải (Sở Tư pháp)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.