Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu về Luật Tố tụng hành chính

07:15, 24/08/2012

37. Việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị và giải quyết khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện trong tố tụng hành chính được tiến hành trong thời gian bao lâu?

Thời hạn giải quyết khiếu nại, kiến nghị và giải quyết khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện được quy định như sau:

- Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản trả lại đơn khởi kiện, người khởi kiện có quyền khiếu nại, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện.

- Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phải ra một trong các quyết định sau đây:

+ Giữ nguyên việc trả lại đơn khởi kiện và thông báo cho đương sự, Viện kiểm sát cùng cấp biết;

+ Nhận lại đơn khởi kiện và tài liệu kèm theo để tiến hành việc thụ lý vụ án.

- Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Chánh án Tòa án thì trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại, người khởi kiện có quyền khiếu nại, Viện kiểm sát cùng cấp có quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án cấp trên trực tiếp.

- Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại, kiến nghị, Chánh án Tòa án cấp trên trực tiếp phải giải quyết.

- Quyết định của Chánh án Tòa án cấp trên trực tiếp là quyết định giải quyết cuối cùng.

38. Có cần phải thông báo về việc thụ lý vụ án không?

- Theo quy định tại khoản 1 Điều 114 thì Tòa án phải thông báo bằng văn bản cho người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ án và Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án.

- Thời hạn thông báo là 5 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án.

39. Khi nhận được thông báo của Tòa án về việc thụ lý vụ án, người được thông báo phải thực hiện những quyền và nghĩa vụ gì?

Họ phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ sau:

- Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình về yêu cầu của người khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo (nếu có). Trường hợp cần gia hạn thì người được thông báo phải có đơn xin gia hạn gửi cho Tòa án nêu rõ lý do; nếu việc xin gia hạn là có căn cứ thì Tòa án gia hạn một lần, nhưng không quá 10 ngày.

- Trường hợp người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã nhận được thông báo, nhưng không nộp ý kiến bằng văn bản trong thời hạn quy định nêu trên mà không có lý do chính đáng thì Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án theo quy định của Luật.

- Người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền yêu cầu Tòa án cho biết, đọc, xem, ghi chép, sao chụp đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện (nếu có).

- Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, Viện kiểm sát cử Kiểm sát viên, Kiểm sát viên dự khuyết (nếu có) tham gia việc giải quyết vụ án và thông báo cho Tòa án.

40. Quyền yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hành chính được quy định như thế nào?

Trong vụ án hành chính có thể có sự tham gia của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.

Trường hợp người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không tham gia tố tụng với người khởi kiện hoặc với người bị kiện thì họ có quyền yêu cầu độc lập khi có các điều kiện sau:

- Việc giải quyết vụ án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ;

- Yêu cầu độc lập của họ có liên quan đến vụ án đang được giải quyết;

- Yêu cầu độc lập của họ được giải quyết trong cùng một vụ án làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn.

(còn nữa)

Nguyễn Đình Hải (Sở Tư pháp)


Ý kiến bạn đọc