Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992:
Tự thân nội tại của từng quy định trong Hiến pháp phải đảm bảo tính khoa học, tất yếu và đồng thuận xã hội
Hiến pháp có một vị trí đặc biệt, cần thiết và quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội. Với vị trí đó, việc xây dựng và bảo vệ Hiến pháp một cách bền vững, chặt chẽ là yêu cầu tất yếu của tất cả các quốc gia trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Để đáp ứng được yêu cầu đó, tự thân nội tại của từng quy định trong Hiến pháp phải thể hiện tính khoa học, hợp lý, khả thi, tất yếu, bền vững, và tất nhiên phải đảm bảo sự đồng thuận cao của toàn xã hội, chứ không chỉ của một tổ chức, một nhóm người nhất định nào. Với ý nghĩa đó, xin nêu ý kiến góp ý một số nội dung như sau:
- Thứ nhất, về vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng: khoản 1 Điều 4 của Dự thảo tiếp tục khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là “đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Để quy định này thể hiện tính đúng đắn, tất yếu, thì Đảng phải thật sự “gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân và dân tộc Việt Nam về những quyết định của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Và do đó, các cơ chế “giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân” cũng cần phải được Hiến định và đảm bảo tính khả thi tuyệt đối.
- Thứ hai, đối với Hội đồng Nhân dân các cấp: Hội đồng Nhân dân các cấp là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương. Hội đồng nhân dân các cấp là “nơi” để nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước, vì thế mà “công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Hội đồng Nhân dân các cấp”. Để đảm bảo thực thi các quy định đó, thiết nghĩ cần thiết phải Hiến định cách thức, cơ chế bầu cử, ứng cử thực chất, hiệu quả; người tham gia vào Hội đồng Nhân dân các cấp là người đại diện thật sự trung thành cho lợi ích của nhân dân, có đủ quyền hạn, điều kiện giám sát chính quyền địa phương trong quá trình thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước ở địa phương.
- Thứ ba, về cơ chế bảo vệ Hiến pháp: tầm quan trọng và ảnh hưởng của Hiến pháp đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là không cần phải bàn cãi. Cũng chính vì thế mà Dự thảo Hiến pháp dành hẳn một khoản (khoản 3, Điều 8) quy định “Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật, phòng, chống các hành vi vi phạm Hiến pháp và pháp luật”. Nói như thế để thấy được rằng, cơ chế bảo vệ Hiến pháp phải được đặc biệt coi trọng, ngược lại thì cho dù từng quy định của Hiến pháp có “khoa học, hợp lý, đồng thuận” đến mấy cũng trở thành vô nghĩa. Muốn như vậy, cơ quan bảo vệ Hiến pháp cho dù được đặt với bất cứ tên gọi nào cũng phải đảm bảo tính “độc lập”, có đủ quyền hạn để bảo vệ Hiến pháp; “tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn” của cơ quan này phải được Hiến định. Và như vậy thì “tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn” của cơ quan này cần quy định trong Hiến pháp chứ không để do “Luật định”.
Hoàng Trọng Hùng
(Sở Tư pháp)
Ý kiến bạn đọc