Tìm hiểu về Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước
Phần thứ nhất
MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG VỀ TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG CỦA NHÀ NƯỚC
I. Khái niệm của trách nhiệm bồi thường thiệt hại của nhà nước
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại từ hành vi xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân là trách nhiệm pháp lý được xác định với mọi chủ thể. Vì vậy, khi Nhà nước thực hiện công quyền gây thiệt hại cho các cá nhân, tổ chức thì cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước không chỉ nhằm khôi phục các tổn thất tài sản mà còn phải bù đắp những tổn thất tinh thần cho các cá nhân, tổ chức bị thiệt hại. Do vậy, trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước là trách nhiệm khôi phục những tổn thất về tài sản, bù đắp những tổn thất về tinh thần trong trường hợp cán bộ, công chức nhà nước có hành vi trái pháp luật trong khi thi hành công vụ gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tài sản, uy tín của tổ chức, quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác.
Trong quan hệ về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước gồm các yếu tố cơ bản sau: chủ thể; khách thể; các điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Về chủ thể, các bên trong quan hệ về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước luôn luôn bao gồm bên gây thiệt hại - Nhà nước, và bên bị thiệt hại là các cá nhân, tổ chức, chủ thể khác; trong đó, Nhà nước luôn luôn là một bên trong quan hệ về trách nhiệm bồi thường thiệt hại này. Việc quy định trực tiếp trách nhiệm bồi thường thuộc về một cơ quan đại diện chung hay trách nhiệm thuộc về từng cơ quan cụ thể thuộc về chính sách pháp lý của mỗi quốc gia, tuy nhiên cần phải khẳng định rằng một bên chủ thể có trách nhiệm luôn luôn là Nhà nước; cơ quan thực hiện trách nhiệm bồi thường không nhân danh mình mà nhân danh Nhà nước thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại cũng như nhân danh Nhà nước khi thực hiện công vụ.
Về khách thể, trong các quan hệ pháp luật, khách thể là lợi ích vật chất hoặc tinh thần mà các chủ thể pháp luật mong muốn đạt được khi tham gia các quan hệ pháp luật. Trong quan hệ pháp luật dân sự, khách thể là đối tượng mà các chủ thể quan tâm, hướng tới, nhằm đạt tới hoặc tác động vào khi tham gia quan hệ pháp luật dân sự. Trên thực tế, khi hoạt động công quyền gây ra thiệt hại, thì đó là những thiệt hại vật chất, thiệt hại tinh thần của các cá nhân, tổ chức; tuy nhiên có một thiệt hại mà không thể đo, đếm được là lòng tin của người dân vào hiệu quả hoạt động cũng như uy tín của Nhà nước. Chính vì vậy, khách thể trong trường hợp này là quyền, lợi ích hợp pháp của công dân và lợi ích của Nhà nước vì khi xảy ra bất kỳ một vụ oan, sai thì không chỉ có công dân là người duy nhất bị thiệt hại mà luôn kéo theo những tổn thất của Nhà nước. Một mặt, Nhà nước phải bồi thường vật chất, tinh thần cho người bị oan. Mặt khác, thiệt hại của Nhà nước tưởng chừng như vô hình nhưng hậu quả trên thực tế vẫn có thể dễ dàng nhận thấy được. Đó là sự giảm sút uy tín của Nhà nước, là sự xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Nhà nước.
Về các điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trước hết, điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại được hiểu là tổng hợp các yếu tố cấu thành nên trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Quan điểm chính thống hiện nay cho rằng các điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại bao gồm: có thiệt hại xảy ra, có hành vi vi phạm pháp luật, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật và thiệt hại đã xảy ra, người gây thiệt hại phải có lỗi. Trong quan hệ bồi thường thiệt hại của Nhà nước thì các điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại bao gồm:
(1) Có thiệt hại xảy ra;
(2) Có hành vi trái pháp luật trong quá trình thi hành công vụ;
(3) Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra.
II. Đối tượng được bồi thường
Đối tượng được bồi thường quy định tại Điều 2 Luật TNBTCNN, theo đó, đối tượng được bồi thường là cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, tổn thất về tinh thần trong các trường hợp quy định tại Luật. Cụ thể là:
Điều 2. Đối tượng được bồi thường
Cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, tổn thất về tinh thần (sau đây gọi chung là người bị thiệt hại) trong các trường hợp quy định tại Luật này thì được Nhà nước bồi thường.
Như vậy, theo quy định của Luật TNBTCNN thì bất kỳ cá nhân, tổ chức nào, không phân biệt cá nhân, tổ chức của Việt Nam hay cá nhân, tổ chức nước ngoài, cũng đều có thể trở thành đối tượng được bồi thường miễn là đáp ứng đủ các điều kiện dưới đây:
Thứ nhất, cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra;
Thứ hai, thiệt hại đó thuộc các trường hợp được bồi thường mà Luật TNBTCNN quy định tại các điều 13, 26, 28, 38 và 39.
Như vậy, các đối tượng được bồi thường theo Luật TNBTCNN bao gồm:
(1) Công dân Việt Nam, tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam;
(2) Công dân nước ngoài - bao gồm người mang quốc tịch của quốc gia, vùng lãnh thổ khác, tổ chức nước ngoài hoạt động tại Việt Nam;
(3) Người không quốc tịch đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam.
III. Phạm vi trách nhiệm bồi thường
Nhà nước thực hiện việc quản lý xã hội trên nhiều lĩnh vực khác nhau, tuy nhiên xét về mặt tổ chức thực hiện quyền lực, các công việc mà Nhà nước thực hiện được chia thành các hoạt động: Xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật (hoạt động lập pháp); tổ chức thực hiện pháp luật (hoạt động hành pháp) và bảo vệ pháp luật (hoạt động tư pháp). Các hoạt động này do các cơ quan tương ứng của Nhà nước thực hiện, cụ thể bao gồm: cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp, cơ quan tư pháp. Tuy nhiên, với quan điểm lập pháp cho rằng, việc xác định phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước phải bảo đảm phạm vi trách nhiệm bồi thường nhà nước cần phải được quy định phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, xã hội của nước ta trong giai đoạn hiện nay. Hiến pháp năm 1992 và BLDS năm 2005 đã ghi nhận một nguyên tắc rất cơ bản, theo đó, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường các thiệt hại do cán bộ, công chức của mình gây ra cho tổ chức, cá nhân trong khi thi hành công vụ. Do đó, trong điều kiện hiện nay, để đảm bảo tính khả thi của Luật này thì phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cần được xác định phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội; khả năng của ngân sách nhà nước; năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước. Trên cơ sở đó, Luật TNBTCNN đã quy định phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trên các lĩnh vực:
- Quản lý hành chính;
- Tố tụng (tố tụng hình sự, tố tụng dân sự và tố tụng hành chính);
- Thi hành án (thi hành án hình sự và thi hành án dân sự).
Với việc xác định rõ lĩnh vực hoạt động mà Nhà nước có trách nhiệm bồi thường, Luật TNBTCNN, trong từng lĩnh vực cụ thể, còn quy định mang tính liệt kê cụ thể từng trường hợp mà Nhà nước có trách nhiệm bồi thường. Điều này thể hiện sự rõ ràng trong chính sách bồi thường nhà nước, giúp cho việc xác quy định trách nhiệm bồi thường được dễ dàng và cũng bảo đảm được các mục tiêu nêu trên của Luật.
Về các trường hợp không thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước
Đối chiếu với các quy định của Luật TNBTCNN về phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì những trường hợp sau đây không thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường, cụ thể là:
- Những trường hợp thiệt hại gây ra do hoạt động công vụ nhưng không thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường theo quy định của Luật TNBTCNN, các đạo luật có liên quan và các văn bản hướng dẫn thi hành.
- Những trường hợp thiệt hại gây ra do Nhà nước (cụ thể là thông qua các cơ quan nhà nước thực hiện) có vi phạm pháp luật trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng dân sự, hợp đồng kinh tế.
- Những thiệt hại gây ra do tài sản thuộc quyền quản lý, sử dụng, vận hành của Nhà nước.
- Những trường hợp thiệt hại gây ra do việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
¬- Những trường hợp thiệt hại gây ra không phải trong quá trình thi hành công vụ.
Ý kiến bạn đọc