Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu về Hiến pháp năm 2013

08:11, 06/07/2014

50. Tòa án nhân dân được quy định như thế nào trong Hiến pháp năm 2013 và có điểm gì mới so với Hiến pháp năm 1992?

- Điều 102 Hiến pháp năm 2013 quy định về Tòa án nhân dân như sau:

“1. Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp.

 2. Tòa án nhân dân gồm Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án khác do luật định.

3. Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

- So với Hiến pháp 1992, Hiến pháp năm 2013 đã sửa đổi, bổ sung quy định mới. Đó là:

+ Bổ sung quy định Tòa án nhân dân thực hiện quyền tư pháp.

+ Sửa đổi quy định về hệ thống tổ chức Tòa án, thay vì xác định cấp Tòa án cụ thể như trước đây, Hiến pháp mới quy định “Tòa án nhân dân gồm Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án khác do luật định” cho phù hợp với chủ trương cải cách tư pháp, làm cơ sở hiến định cho việc tiếp tục đổi mới hoạt động tư pháp, phù hợp với yêu cầu của Nhà nước pháp quyền.

+ Bổ sung toàn bộ nội dung của Khoản 3 “Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. 

+ Hiến pháp năm 2013 không quy định ở cơ sở phải thành lập các tổ chức thích hợp của nhân dân để giải quyết những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nhân dân như Điều 127 của Hiến pháp năm 1992, mà để luật quy định.

51. Hiến pháp năm 2013 quy định như thế nào về nguyên tắc và quá trình xét xử của Tòa án nhân dân? Có gì khác so với Hiến pháp năm 1992?

- Nguyên tắc và quá trình xét xử của Tòa án nhân dân được Hiến pháp năm 2013 quy định tại Điều 103 như sau:

“1. Việc xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân có Hội thẩm tham gia, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn.

2. Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm.

3. Tòa án nhân dân xét xử công khai. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, Tòa án nhân dân có thể xét xử kín.

4. Tòa án nhân dân xét xử tập thể và quyết định theo đa số, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn.

5. Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm.

6. Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm.

7. Quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm”.

- So với Hiến pháp năm 1992, nguyên tắc và quá trình xét xử của Tòa án nhân dân đã được Hiến pháp năm 2013 sắp xếp lại theo hướng bố cục chặt chẽ, ngắn gọn hơn và bổ sung nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm và chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm.

52. Vị trí, vai trò của Tòa án nhân dân tối cao được quy định ra sao trong Hiến pháp năm 2013?

Vị trí, vai trò của Tòa án nhân dân tối cao được Hiến pháp năm 2013 quy định tại Điều 104 như sau:

“ 1. Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Tòa án nhân dân tối cao giám đốc việc xét xử của các Tòa án khác, trừ trường hợp do luật định.

3. Tòa án nhân dân tối cao thực hiện việc tổng kết thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử”.

(Còn nữa)

Nguyễn Thị Thao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.