Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu về Hiến pháp năm 2013

15:25, 26/07/2014

64. Đại biểu Hội đồng Nhân dân có vai trò, nhiệm vụ gì?

Vai trò, nhiệm vụ của Đại biểu Hội đồng Nhân dân được quy định tại Điều 115 Hiến pháp năm 2013. Đó là:

“1. Đại biểu Hội đồng Nhân dân là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân địa phương; liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thực hiện chế độ tiếp xúc, báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của Hội đồng Nhân dân, trả lời những yêu cầu, kiến nghị của cử tri; xem xét, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đại biểu Hội đồng Nhân dân có nhiệm vụ vận động Nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật, chính sách của Nhà nước, nghị quyết của Hội đồng Nhân dân, động viên Nhân dân tham gia quản lý nhà nước.

2. Đại biểu Hội đồng Nhân dân có quyền chất vấn Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, các thành viên khác của Ủy ban Nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân và thủ trưởng cơ quan thuộc Ủy ban Nhân dân. Người bị chất vấn phải trả lời trước Hội đồng Nhân dân. Đại biểu Hội đồng Nhân dân có quyền kiến nghị với các cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị ở địa phương. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị này có trách nhiệm tiếp đại biểu, xem xét, giải quyết kiến nghị của đại biểu”.

65. Trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân, Hội đồng Nhân dân với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội được quy định như thế nào trong Hiến pháp năm 2013?

Điều 116 Hiến pháp năm 2013 quy định về trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân, Hội đồng Nhân dân với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội như sau:

- Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thực hiện chế độ thông báo tình hình của địa phương cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các tổ chức này về xây dựng chính quyền và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân động viên Nhân dân cùng Nhà nước thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh ở địa phương.

- Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương được mời tham dự các kỳ họp Hội đồng Nhân dân và được mời tham dự hội nghị Ủy ban Nhân dân cùng cấp khi bàn các vấn đề có liên quan.

66. Hội đồng Bầu cử quốc gia, Kiểm toán Nhà nước được ghi nhận như thế nào trong Hiến pháp năm 2013?

Để làm rõ hơn quyền làm chủ của Nhân dân, cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực, hoàn thiện bộ máy Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Hiến pháp năm 2013 bổ sung 2 thiết chế hiến định độc lập gồm Hội đồng Bầu cử quốc gia và Kiểm toán Nhà nước.

- Hội đồng Bầu cử quốc gia được quy định tại Điều 117 Hiến pháp năm 2013: Hội đồng Bầu cử quốc gia là cơ quan do Quốc hội thành lập, có nhiệm vụ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp. Hội đồng Bầu cử quốc gia gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng Bầu cử quốc gia và số lượng thành viên Hội đồng Bầu cử quốc gia do luật định.

- Kiểm toán Nhà nước được quy định tại Điều 118 Hiến pháp năm 2013: Kiểm toán Nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Tổng Kiểm toán Nhà nước là người đứng đầu Kiểm toán Nhà nước, do Quốc hội bầu. Nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán Nhà nước do luật định. Tổng Kiểm toán Nhà nước chịu trách nhiệm và báo cáo kết quả kiểm toán, báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp, chịu trách nhiệm và báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Kiểm toán Nhà nước do luật định.

67. Hiến pháp năm 2013 quy định như thế nào về việc làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp?

Việc làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp được Hiến pháp năm 2013 quy định tại Điều 120 như sau:

“1. Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp. Quốc hội quyết định việc làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.

2. Quốc hội thành lập Ủy ban Dự thảo Hiến pháp. Thành phần, số lượng thành viên, nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban Dự thảo Hiến pháp do Quốc hội quyết định theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

3. Ủy ban Dự thảo Hiến pháp soạn thảo, tổ chức lấy ý kiến Nhân dân và trình Quốc hội dự thảo Hiến pháp.

4. Hiến pháp được thông qua khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định.

5. Thời hạn công bố, thời điểm có hiệu lực của Hiến pháp do Quốc hội quyết định”.

Nguyễn Thị Thao


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đảm bảo quyền lợi bảo hiểm cho người lao động làm việc trong doanh nghiệp nước ngoài
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư vào Đắk Lắk góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển, giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương. Cùng với phát triển sản xuất, các doanh nghiệp này đã quan tâm, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho người lao động, đây chính là động lực giúp công nhân yên tâm lao động. ​​​​​​​