Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu về Luật Đất đai năm 2013

08:46, 06/09/2014

13. Khi lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải bảo đảm các nguyên tắc nào?

Theo quy định tại Điều 35 Luật Đất đai năm 2013 thì khi tiến hành lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải bảo đảm các nguyên tắc sau:

- Phù hợp với chiến lược, quy hoạch tổng thể, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.

- Được lập từ tổng thể đến chi tiết; quy hoạch sử dụng đất của cấp dưới phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của cấp trên; kế hoạch sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia phải bảo đảm tính đặc thù, liên kết của các vùng kinh tế - xã hội; quy hoạch sử dụng đất cấp huyện phải thể hiện nội dung sử dụng đất của cấp xã.

- Sử dụng đất tiết kiệm và có hiệu quả.

- Khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Bảo vệ, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

- Dân chủ và công khai.

- Bảo đảm ưu tiên quỹ đất cho mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng, an ninh lương thực và bảo vệ môi trường.

- Quy hoạch, kế hoạch của ngành, lĩnh vực, địa phương có sử dụng đất phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt.

14. Việc lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được thực hiện như thế nào?

Theo quy định tại Điều 43 Luật Đất đai năm 2013 thì việc lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được thực hiện như sau:

- Đối với cơ quan tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia,  cấp tỉnh và cấp huyện có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được thực hiện thông qua hình thức công khai thông tin về nội dung của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp tỉnh; việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện được thực hiện thông qua hình thức tổ chức hội nghị, lấy ý kiến trực tiếp và công khai thông tin về nội dung của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên trang thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện;

Nội dung lấy ý kiến bao gồm các chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các dự án công trình thực hiện trong kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong thời gian là 30 ngày kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định tổ chức lấy ý kiến.

Cơ quan có trách nhiệm lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm xây dựng báo cáo tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến của nhân dân và hoàn thiện phương án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trước khi trình Hội đồng thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

- Đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm lấy ý kiến UBND cấp tỉnh trong quá trình tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

15. Việc thẩm định nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được thực hiện trên những nội dung nào?

Theo quy định tại các Khoản 3, Khoản 4 Điều 44 Luật Đất đai năm 2013 thì:

Nội dung thẩm định quy hoạch sử dụng đất bao gồm:

- Cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học của việc lập quy hoạch sử dụng đất;

- Mức độ phù hợp của phương án quy hoạch sử dụng đất với chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của quốc gia và địa phương; quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực;

- Hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường;

- Tính khả thi của phương án quy hoạch sử dụng đất.

Nội dung thẩm định kế hoạch sử dụng đất bao gồm:

- Mức độ phù hợp của kế hoạch sử dụng đất với quy hoạch sử dụng đất;

- Mức độ phù hợp của kế hoạch sử dụng đất với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội;

- Tính khả thi của kế hoạch sử dụng đất.

(Còn nữa)

Trần Thiên Định


Ý kiến bạn đọc


(Video) Khoác “áo mới” cho đô thị Buôn Ma Thuột
Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Đắk Lắk, TP. Buôn Ma Thuột đang từng ngày đổi thay, phát triển trở thành đô thị hiện đại, văn minh, giàu bản sắc, giữ vai trò là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên. Đặc biệt, nhằm hướng đến chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), thành phố đã lựa chọn hàng loạt công trình đưa vào đợt thi đua đặc biệt để thực hiện. Qua đó, góp phần làm cho đô thị Buôn Ma Thuột ngày càng khởi sắc hơn.