Multimedia Đọc Báo in

Về Luật Biển Việt Nam

09:48, 03/10/2014

3. Chương III: Hoạt động trong vùng biển Việt Nam

Chương này bao gồm 20 Điều quy định về nội hàm của việc đi qua không gây hại trong lãnh hải; nghĩa vụ khi thực hiện quyền này; hoạt động của các loại tàu thuyền nước ngoài trong vùng biển của ta (tàu quân sự, tàu thuyền công vụ, tàu ngầm); quyền tài phán quân sự và dân sự đối với tàu thuyền nước ngoài; quy định tuyến hàng hải và phân luồng giao thông; về gìn giữ, bảo vệ tài nguyên môi trường biển; nghiên cứu khoa học biển; các hoạt động bị cấm trong vùng biển của ta...

- Quy định chung (Điều 22):

Luật Biển Việt Nam nêu rõ trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân khi hoạt động trong vùng biển Việt Nam là phải tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và lợi ích quốc gia của Việt Nam, tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế có liên quan. Đồng thời, phù hợp với nghĩa vụ của Nhà nước ta theo Công ước Luật Biển năm 1982, Luật Biển Việt Nam cũng khẳng định Nhà nước ta tôn trọng và bảo hộ các quyền và lợi ích hợp pháp của tàu thuyền, tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động trong vùng biển Việt Nam phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

- Đi qua không gây hại trong lãnh hải (Điều 23):

Phù hợp với quy định của Công ước Luật Biển năm 1982 (các Điều 17, 18 và 19), Luật Biển Việt Nam quy định tàu thuyền nước ngoài được quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam (tức là đi từ vùng biển nước khác hoặc vùng biển quốc tế qua lãnh hải nước ta để sang vùng biển nước khác hoặc ra vùng biển quốc tế).

Luật quy định rõ những hành vi mà tàu thuyền nước ngoài không được làm khi đi qua lãnh hải nước ta. Cụ thể là không được đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia khác; thực hiện các hành vi trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế được quy định trong Hiến chương Liên hợp quốc; luyện tập hay diễn tập với bất kỳ kiểu, loại vũ khí nào, dưới bất kỳ hình thức nào; thu thập thông tin gây thiệt hại cho quốc phòng, an ninh của Việt Nam; tuyên truyền nhằm gây hại đến quốc phòng, an ninh của Việt Nam; phóng đi, tiếp nhận hay xếp phương tiện bay lên tàu thuyền; phóng đi, tiếp nhận hay xếp phương tiện quân sự lên tàu thuyền; bốc, dỡ hàng hóa, tiền bạc hay đưa người lên xuống tàu thuyền trái với quy định của pháp luật Việt Nam về hải quan, thuế, y tế, hoặc xuất nhập cảnh; cố ý gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường biển; đánh bắt hải sản trái phép; nghiên cứu, điều tra, thăm dò trái phép; làm ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống thông tin liên lạc hoặc của thiết bị hay công trình khác của Việt Nam; tiến hành hoạt động khác không trực tiếp liên quan đến việc đi qua.

- Nghĩa vụ khi thực hiện quyền đi qua không gây hại (Điều 24):

Luật Biển Việt Nam quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài khi thực hiện quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam phải tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam liên quan đến an toàn hàng hải, bảo vệ thiết bị và hệ thống bảo đảm hàng hải, đường dây cáp ngầm, bảo tồn tài nguyên biển, giữ gìn môi trường biển...

Do tính chất đặc biệt và độ nguy hiểm cao của tàu thuyền chạy bằng năng lượng hạt nhân hoặc chuyên chở các chất phóng xạ, chất độc hại, nguy hiểm nên luật pháp quốc tế đòi hỏi các tàu thuyền nước ngoài như trên cần phải tuân thủ một số yêu cầu nghiêm ngặt hơn so với các tàu khác. Do vậy, Luật Biển Việt Nam quy định nghĩa vụ của thuyền trưởng tàu thuyền nước ngoài chạy bằng năng lượng hạt nhân hoặc chuyên chở chất phóng xạ, chất độc hại hoặc nguy hiểm, khi đi trong lãnh hải Việt Nam, phải mang đầy đủ tài liệu kỹ thuật liên quan tới tàu thuyền và hàng hóa trên tàu thuyền, tài liệu về bảo hiểm dân sự bắt buộc; sẵn sàng cung cấp cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam mọi tài liệu liên quan đến thông số kỹ thuật của tàu thuyền cũng như của hàng hóa trên tàu thuyền; thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa đặc biệt đúng theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên áp dụng đối với loại tàu thuyền này; tuân thủ quyết định của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam về việc áp dụng biện pháp phòng ngừa đặc biệt, kể cả cấm không được đi qua lãnh hải Việt Nam hoặc buộc phải rời ngay khỏi lãnh hải Việt Nam trong trường hợp có dấu hiệu hoặc bằng chứng rõ ràng về khả năng gây rò rỉ hoặc làm ô nhiễm môi trường.

- Tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải phục vụ cho việc đi qua không gây hại (Điều 25)

Luật Biển Việt Nam nêu rõ Chính phủ quy định công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải. Đối với tàu thuyền nước ngoài chở dầu hoặc chạy bằng năng lượng hạt nhân hoặc chuyên chở chất phóng xạ, chất độc hại hay nguy hiểm có thể bị buộc phải đi theo tuyền hàng hải riêng cho từng trường hợp.

- Vùng cấm và khu vực hạn chế hoạt động trong lãnh hải (Điều 26)

Phù hợp quy định của Công ước Luật Biển năm 1982, Luật Biển Việt Nam quy định Chính phủ có thể thiết lập các vùng cấm tạm thời hoặc vùng hạn chế hoạt động trong lãnh hải nước ta khi cần thiết để bảo vệ chủ quyền, quốc phòng, an ninh và lợi ích quốc gia, thảm hoạ môi trường biển, phòng chống lây lan dịch bệnh v..v..

- Đối với tàu quân sự, tàu thuyền công vụ, tàu ngầm và phương tiện đi ngầm khác của nước ngoài (Điều 27, Điều 28 và Điều 29):

Tàu chiến và tàu thuyền công vụ của nước ngoài là đối tượng đặc biệt nên các tàu này chỉ được vào nội thủy, các công trình cảng, bến hay nơi trú đậu của ta ở bên ngoài nội thủy của ta theo lời mời của Chính phủ ta hoặc theo thỏa thuận giữa các cơ quan có thẩm quyền của nước ta và quốc gia mà tàu mang cờ.

Khi ở trong nội thủy, cảng của ta, các tàu này phải hoạt động phù hợp với lời mời hoặc thoả thuận và phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan. Nếu các tàu này vi phạm pháp luật Việt Nam thì phải tuân thủ các yêu cầu, mệnh lệnh của lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển của Việt Nam bao gồm cả việc phải rời khỏi lãnh hải Việt Nam ngay lập tức nếu đang ở trong lãnh hải Việt Nam và quốc gia mà tàu mang cờ phải chịu trách nhiệm về mọi thiệt hại do tàu thuyền đó gây ra cho Việt Nam.

Luật biển Việt Nam cũng quy định tàu ngầm và các phương tiện đi ngầm khác khi ở trong nội thủy, lãnh hải Việt Nam phải nổi trên mặt nước, phải treo cờ quốc tịch (trừ trường hợp được Chính phủ Việt Nam cho phép hoặc có thỏa thuận với chính phủ của quốc gia mà tàu thuyền đó mang cờ).

- Quyền tài phán hình sự và dân sự đối với tàu thuyền nước ngoài (Điều 30, Điều 31):

Quyền tài phán hình sự này không áp dụng đối với tàu chiến và tàu thuyền công vụ nước ngoài. Khi tàu thuyền nước ngoài rời khỏi nội thủy Việt Nam và đang đi trong lãnh hải nước ta, các cơ quan và lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển của ta có quyền tiến hành bắt giữ người hay điều tra đối với vụ tội phạm hình sự xảy ra trên tàu thuyền đó.

Khi tàu thuyền nước ngoài đang đi trong lãnh hải nước ta nhưng không phải ngay sau khi rời khỏi nội thuỷ của ta thì trên tàu xảy ra tội phạm hình sự, cơ quan tuần tra, kiểm soát trên biển của ta chỉ được bắt giữ người hay điều tra liên quan vụ tội phạm hình sự đó nếu như hậu quả của vụ đó mở rộng đến ta, hoặc vụ đó có tính chất phá hoại hòa bình hoặc trật tự trong lãnh hải của ta, hoặc có yêu cầu giúp đỡ từ phía thuyền trưởng hoặc viên chức ngoại giao, lãnh sự của nước mà tàu mang cờ hoặc là các biện pháp đó là cần thiết để chống mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.

Trong trường hợp tàu thuyền nước ngoài từ cảng nước ngoài đang đi qua lãnh hải nước ta để đi sang vùng biển nước khác và tội phạm hình sự xảy ra trên tàu trước khi tàu đó vào lãnh hải nước ta, các cơ quan tuần tra, kiểm soát trên biển của ta không có quyền bắt giữ người và điều tra đối với vụ phạm tội hình sự đó.

Quyền tài phán dân sự đối với tàu thuyền nước ngoài đi qua lãnh hải nước ta bị hạn chế hơn nhiều so với quyền tài phán hình sự. Cụ thể là cơ quan tuần tra, kiểm soát của ta chỉ được bắt giữ hay xử lý tàu thuyền nước ngoài để thực hiện quyền tài phán dân sự nếu tàu thuyền đó đang đậu trong lãnh hải hoặc đi qua lãnh hải sau khi rời khỏi nội thủy của ta.

(Còn nữa)


Ý kiến bạn đọc