Multimedia Đọc Báo in

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế

09:19, 12/11/2014
Ngày 13-6-2014, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT).
 
Đến ngày 26-6-2014, Chủ tịch nước ký Lệnh số 03/2014/L-CTN công bố Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2015. Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT vẫn giữ nguyên bố cục như Luật BHYT hiện hành, nhưng sửa đổi, bổ sung 28/52 điều từ Chương I đến Chương IX, trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến: sắp xếp lại nhóm đối tượng, hình thức tham gia BHYT theo hộ gia đình; thẻ BHYT; mức hưởng BHYT; tạm ứng, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT; quản lý và sử dụng quỹ BHYT, trách nhiệm của các bên liên quan đến BHYT... Báo Dak Lak xin giới thiệu nội dung một số điểm mới được đổi, bổ sung của Luật BHYT so với Luật hiện hành.

1. Sửa đổi Điều 2, 3, 6, 7 và Điều 8 Chương I: Những quy định chung

a) Về giải thích từ ngữ (Điều 2)

- Sửa đổi quy định các đối tượng “có trách nhiệm tham gia BHYT” thành “BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của luật này để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện”.

Luật BHYT hiện hành đang quy định các đối tượng có “trách nhiệm” tham gia BHYT nhưng trên thực tế việc tuân thủ pháp luật của các đối tượng này chưa cao. Do đó, để thực hiện được mục tiêu này cần phải quy định bắt buộc tham gia đối với tất cả các đối tượng, bởi nếu không quy định bắt buộc sẽ có nhiều nhóm đối tượng, nhất là các đối tượng khỏe mạnh, có thu nhập cao không tham gia, gây nguy cơ mất cân đối quỹ BHYT, ảnh hưởng đến tính bền vững của BHYT. Đây là một trong những giải pháp đột phá hết sức quan trọng thể hiện quyết tâm chính trị nhằm khẳng định mọi đối tượng bắt buộc phải tham gia BHYT, thúc đẩy thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân theo tinh thần của Hiến pháp 2013 và Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị. Theo đó, Nhà nước sử dụng cơ chế hỗ trợ ngân sách trực tiếp cho một bộ phận người dân tham gia BHYT, cũng như cơ chế chính sách về giá dịch vụ y tế để thúc đẩy toàn dân tham gia BHYT.

- Bổ sung khái niệm Hộ gia đình tham gia BHYT là bao gồm toàn bộ người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú để thực hiện hình thức tham gia BHYT theo hộ gia đình với một số nhóm đối tượng. Quy định này giúp cho việc đăng ký, quản lý các nhóm đối tượng thống nhất, không bỏ sót và tránh được cấp trùng thẻ BHYT, hạn chế tình trạng chỉ có người ốm mới tham gia BHYT và  bảo đảm sự chia sẻ ngay trong hộ gia đình.

- Bổ sung khái niệm Gói dịch vụ y tế cơ bản do quỹ bảo hiểm y tế chi trả là những dịch vụ y tế thiết yếu để chăm sóc sức khỏe, phù hợp với khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm y tế.

b) Sửa đổi quy định mức đóng BHYT theo “mức lương tối thiểu của khu vực hành chính (gọi chung là mức lương tối thiểu)” thành “mức lương cơ sở” và bổ sung quy định mức hưởng BHYT được xác định theo thời gian tham gia BHYT để khuyến khích người dân tham gia BHYT liên tục (Điều 3).

c) Bổ sung trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan và UBND các cấp trong việc tổ chức thực hiện Luật (Điều 6, 7):

- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo: Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện việc xác định, quản lý đối tượng; Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về trách nhiệm tham gia BHYT của các đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý

- Bộ Quốc phòng và Bộ Công an: Chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn, tổ chức thực hiện việc xác định, quản lý, lập danh sách BHYT đối với đối tượng do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quản lý; lập danh sách và cung cấp danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT đối với đối tượng thân nhân; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về trách nhiệm tham gia BHYT của các đối tượng do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quản lý; phối hợp với Bộ Y tế, các bộ, ngành liên quan hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an ký kết hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT với tổ chức BHYT để khám bệnh, chữa bệnh cho các đối tượng tham gia BHYT.

- UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo xây dựng bộ máy, nhân lực, nguồn lực để thực hiện chức năng tham mưu quản lý nhà nước về BHYT trên địa bàn; UBND cấp xã có trách nhiệm lập danh sách đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình trên địa bàn để thống nhất quản lý, tránh trùng thẻ BHYT.

2. Sửa đổi Điều 12, 13, 14 và Điều 15 Chương II: Đối tượng, mức đóng, trách nhiệm và phương thức đóng BHYT

a) Về đối tượng tham gia BHYT (Điều 12)

- Để thuận lợi trong quản lý và tổ chức thực hiện, Luật sửa đổi bổ sung đã sắp xếp lại 25 đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật hiện hành thành 5 nhóm theo trách nhiệm đóng BHYT như sau: nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng; nhóm do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng; nhóm do ngân sách nhà nước đóng; nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng; nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình gồm những người thuộc hộ gia đình, trừ đối tượng quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 nêu trên.

- Gộp các đối tượng: Người làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp (khoản 22); thân nhân người lao động (khoản 23) và xã viên hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể (khoản 24) của Điều 12 Luật BHYT hiện hành thành một nhóm đối tượng “Người tham gia BHYT theo hộ gia đình” thuộc nhóm tự đóng BHYT và cùng tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình.

- Bổ sung một số nhóm đối tượng được tổ chức bảo hiểm xã hội đóng BHYT đó là người mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày, người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng.

- Bổ sung một số nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng BHYT đó là: người đang tại ngũ trong quân đội; thân nhân của học viên công an và học viên cơ yếu; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo.

- Bổ sung đối tượng tham gia BHYT đã được quy định tham gia BHYT tại các văn bản khác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bao gồm: người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức; người đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng; thanh niên xung phong thời kỳ kháng chiến chống Pháp; người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia giúp nước bạn Lào sau 30-4-1975 đã xuất ngũ phục viên.

- Bổ sung đối tượng thuộc lực lượng công an và quân đội cùng tham gia hệ thống BHYT. Đồng thời giao Chính phủ quy định cụ thể: Việc cấp thẻ BHYT; lộ trình thực hiện BHYT, phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT, khám bệnh, chữa bệnh BHYT, quản lý, sử dụng phần kinh phí dành cho khám bệnh, chữa bệnh BHYT, giám định BHYT, thanh toán, quyết toán BHYT đối với các đối tượng do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý.

b) Về mức đóng, trách nhiệm và phương thức đóng BHYT (Điều 13 và Điều 15).

- Bổ sung trách nhiệm đóng BHYT của quỹ BHXH đối với người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con hoặc nuôi con dưới 6 tháng tuổi, người lao động mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

- Sửa đổi, bổ sung quy định giảm dần mức đóng BHYT khi toàn bộ các thành viên trong hộ gia đình tham gia BHYT (Luật BHYT hiện hành đang quy định: Người thứ nhất đóng bằng mức quy định; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 90%, 80%, 70% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 60% mức đóng của người thứ nhất), cụ thể: người thứ nhất đóng bằng mức quy định; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

- Bổ sung quy định phương thức đóng BHYT theo hộ gia đình để dễ quản lý, tránh trùng lắp đối tượng, tránh bỏ sót đối tượng và mở rộng đối tượng tham gia BHYT.

(còn nữa)


Ý kiến bạn đọc