Multimedia Đọc Báo in

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế

09:30, 19/11/2014

7. Sửa đổi Điều 34 và Điều 35 Chương VII: Quỹ bảo hiểm y tế

a) Sửa đổi, bổ sung Khoản 1 và Khoản 3 Điều 34 như sau:

- Bổ sung quy định: “Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội Việt Nam theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội chịu trách nhiệm quản lý quỹ BHYT và tư vấn chính sách BHYT”. Theo quy định này, Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội Việt Nam được thành lập theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội có chức năng: xem xét, tư vấn quyết định những vấn đề lớn liên quan đến BHYT như: mức đóng BHYT, phạm vi quyền lợi, giá dịch vụ kỹ thuật, danh mục dịch vụ kỹ thuật, danh mục thuốc, vật tư y tế, cơ chế thanh toán chi phí khám, chữa bệnh giữa quỹ BHYT và cơ sở khám, chữa bệnh..... Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định ban hành chính sách trên cơ sở đề xuất và ý kiến thống nhất của Hội đồng.

- Hằng năm, Chính phủ báo cáo trước Quốc hội về quản lý và sử dụng quỹ BHYT.

b) Về phân bổ và sử dụng quỹ BHYT:

Luật vẫn thống nhất nguyên tắc Quỹ phải quản lý tập trung, thống nhất ở cấp quốc gia để tập trung nguồn lực, điều tiết chung trong phạm vi cả nước, đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu chia sẻ rủi ro giữa các đối tượng. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, do chưa có sự đồng đều về tỷ lệ tham gia BHYT và dịch vụ khám chữa bệnh giữa các tỉnh (có nơi đạt gần 100%, nhưng có tỉnh mới đạt 50-60% dân số tham gia BHYT, có tỉnh đầy đủ kỹ thuật y tế hiện đại nhưng có tỉnh còn thiếu nhiều trang thiết bị y tế, điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế của người dân nhất là vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa còn hạn chế; có nơi kết dư, có nơi còn bội chi quỹ BHYT) nên Luật quy định cho phép các tỉnh thành có kết dư quỹ BHYT được sử dụng một phần để phục vụ khám chữa bệnh BHYT hỗ trợ nâng cao quyền lợi người tham gia BHYT, để gắn trách nhiệm của các địa phương trong việc tổ chức thực hiện BHYT, khuyến khích các địa phương quản lý và sử dụng quỹ BHYT minh bạch, hiệu quả, thực hiện cụ thể như sau:

- Đối với các tỉnh, thành phố có phần kinh phí chưa sử dụng hết:

+ Từ ngày luật này có hiệu lực đến hết ngày 31-12-2020 thì 80% chuyển về quỹ dự phòng, 20% chuyển về địa phương để sử dụng theo thứ tự ưu tiên như sau: hỗ trợ quỹ khám bệnh, chữa bệnh cho người nghèo; hỗ trợ mức đóng BHYT cho một số nhóm đối tượng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương; mua trang thiết bị y tế phù hợp với năng lực, trình độ của cán bộ y tế; mua phương tiện vận chuyển người bệnh ở tuyến huyện. Trong thời hạn 1 tháng, kể từ ngày Bảo hiểm xã hội Việt Nam thẩm định quyết toán, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phải chuyển 20% phần kinh phí chưa sử dụng hết về cho địa phương. Trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày Bảo hiểm xã hội Việt Nam thẩm định quyết toán, phần kinh phí chưa sử dụng hết được chuyển về quỹ dự phòng để điều tiết chung.

+  Từ ngày 1-1- 2021, phần kinh phí chưa sử dụng hết không phân bổ cho các địa phương sử dụng mà được hạch toán toàn bộ vào quỹ dự phòng để quản lý tập trung, thống nhất và điều tiết chung trong phạm vi cả nước.

- Đối với các tỉnh, thành phố có bội chi quỹ:

Sau khi thẩm định quyết toán, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm bổ sung toàn bộ phần kinh phí chênh lệch này từ nguồn quỹ dự phòng.

8. Sửa đổi Điều 36, 41, 43 và Điều 45 Chương VIII: Quyền và trách nhiệm của các bên liên quan đến BHYT

a) Điều 36 bổ sung quyền của người tham gia BHYT, được đóng BHYT theo hộ gia đình tại đại lý bảo hiểm y tế trong phạm vi cả nước; được lựa chọn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu theo quy định tại khoản 1 Điều 26 của luật này.

b) Điều 41 bổ sung quy định tổ chức BHYT có trách nhiệm:             

- Tổ chức để đối tượng quy định của luật này đóng BHYT theo hộ gia đình thuận lợi tại đại lý BHYT. Hướng dẫn hồ sơ, thủ tục, nơi đăng ký tham gia BHYT và tổ chức thực hiện chế độ BHYT, bảo đảm nhanh chóng, đơn giản và thuận tiện cho người tham gia BHYT. Rà soát, tổng hợp, xác nhận danh sách tham gia BHYT để tránh cấp trùng thẻ BHYT của các đối tượng quy định tại Điều 12 của luật này, trừ các đối tượng do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quản lý.

- Lưu trữ hồ sơ, số liệu về BHYT theo quy định của pháp luật; xác định thời gian tham gia BHYT để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý BHYT, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về BHYT.

          c) Điều 43 bổ sung quy định trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT trong việc:

- Cung cấp hồ sơ bệnh án, tài liệu liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh của người tham gia BHYT theo yêu cầu của tổ chức BHYT và cơ quan nhà nước có thẩm quyền; đối với hồ sơ đề nghị thanh toán trực tiếp, trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của tổ chức BHYT, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT có trách nhiệm cung cấp hồ sơ bệnh án, tài liệu liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh của người tham gia BHYT.

- Lập bảng kê chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác của bảng kê này.

- Cung cấp bảng kê chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người tham gia BHYT khi có yêu cầu.

d) Điều 45 Bổ sung quy định trách nhiệm của tổ chức đại diện người lao động và tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong việc: Tham gia giám sát việc thi hành pháp luật về BHYT, đôn đốc người sử dụng lao động đóng BHYT cho người lao động và tham gia giải quyết các trường hợp trốn đóng, nợ đóng BHYT.

9. Sửa đổi Điều 49 Chương IX: Thanh tra, khiếu nại, tố cáo, giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm về BHYT

Luật đã được sửa đổi, bổ sung với chế tài mạnh mẽ hơn đối với cơ quan, tổ chức không đóng, chậm đóng BHYT cho người lao động, cụ thể:

- Cơ quan, tổ chức không đóng, chậm đóng BHYT cho người lao động phải đóng đủ số tiền chưa đóng và nộp số tiền lãi bằng hai lần mức lãi suất liên ngân hàng tính trên số tiền và thời gian chậm đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích tiền từ tài khoản tiền gửi của cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHYT để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của quỹ BHYT;

- Phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho người lao động trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT mà người lao động đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ BHYT.


Ý kiến bạn đọc