Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014

07:59, 13/09/2015

9. Nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội được Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 64 Luật Tổ chức Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội có các nhiệm vụ và quyền hạn sau:

+ Chủ tọa các phiên họp của Quốc hội, bảo đảm thi hành các quy định về hoạt động của đại biểu Quốc hội, các quy định về kỳ họp Quốc hội; ký chứng thực Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.

+ Lãnh đạo công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chỉ đạo việc chuẩn bị dự kiến chương trình, triệu tập và chủ tọa các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; ký pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

+ Chủ tọa hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và các hội nghị khác do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức.

+ Triệu tập và chủ tọa hội nghị Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội bàn chương trình hoạt động của Quốc hội, của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; tham dự phiên họp của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội khi cần thiết.

+ Giữ quan hệ với các đại biểu Quốc hội.

+ Chỉ đạo việc thực hiện kinh phí hoạt động của Quốc hội.

+ Chỉ đạo và tổ chức việc thực hiện công tác đối ngoại của Quốc hội; thay mặt Quốc hội trong quan hệ đối ngoại của Quốc hội; lãnh đạo hoạt động của đoàn Quốc hội Việt Nam trong các tổ chức liên nghị viện thế giới và khu vực.

- Theo quy định tại Điều 65 Luật Tổ chức Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội giúp Chủ tịch Quốc hội làm nhiệm vụ theo sự phân công của Chủ tịch. Khi Chủ tịch Quốc hội vắng mặt thì một Phó Chủ tịch Quốc hội được Chủ tịch ủy nhiệm thay mặt thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Quốc.

 

10. Quốc hội bao gồm những hội đồng và ủy ban nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 66, Điều 88 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, các hội đồng và ủy ban của Quốc hội bao gồm:

- Hội đồng Dân tộc.

- Các ủy ban:

+ Ủy ban Pháp luật;

+ Ủy ban Tư pháp;

+ Ủy ban Kinh tế;

+ Ủy ban Tài chính, ngân sách;

+ Ủy ban Quốc phòng và an ninh;

+ Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng;

+ Ủy ban về các vấn đề xã hội;

+ Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường;

+ Ủy ban Đối ngoại;

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 88 Luật Tổ chức Quốc hội, Ủy ban lâm thời được thành lập trong các trường hợp thẩm tra dự án luật, dự thảo nghị quyết hoặc báo cáo, dự án khác do Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội hoặc có nội dung liên quan đến lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc và nhiều Ủy ban của Quốc hội; điều tra làm rõ về một vấn đề cụ thể khi xét thấy cần thiết.

 

11. Hội đồng Dân tộc của Quốc hội thực hiện những nhiệm vụ, quyền nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 69 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 thì Hội đồng Dân tộc thực hiện những nhiệm vụ và quyền hạn sau:

- Thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh về chính sách dân tộc; thẩm tra các dự án khác do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao; thẩm tra việc bảo đảm chính sách dân tộc trong các dự án luật, pháp lệnh trước khi trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

- Tham gia ý kiến về việc ban hành quy định thực hiện chính sách Dân tộc của Chính phủ.

- Giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thuộc lĩnh vực dân tộc; giám sát việc thi hành chính sách dân tộc, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

- Giám sát văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có liên quan đến công tác dân tộc. 

- Trình dự án luật trước Quốc hội, dự án pháp lệnh trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về lĩnh vực Hội đồng Dân tộc phụ trách.

- Kiến nghị các vấn đề về chính sách dân tộc của Nhà nước, các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của các cơ quan hữu quan và về những vấn đề khác có liên quan đến công tác dân tộc.

(Còn nữa)

Trần Thiên Định


Ý kiến bạn đọc