Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu về Luật Trưng cầu ý dân

09:10, 20/05/2016

 

Câu 8. Cơ quan nào có quyền đề nghị vấn đề cần trưng cầu ý dân?

- Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất là 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc trưng cầu ý dân.

 Trường hợp có từ 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội trở lên kiến nghị Quốc hội quyết định việc trưng cầu ý dân về cùng một vấn đề thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội có trách nhiệm tổng hợp các kiến nghị của đại biểu Quốc hội, chuẩn bị hồ sơ theo quy định để  trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Việc kiến nghị và tổng hợp kiến nghị của đại biểu Quốc hội được thực hiện theo quy định tại Điều 33 của Luật tổ chức Quốc hội.

Câu 9. Việc thẩm tra đề nghị trưng cầu ý dân được thực hiện theo trình tự như thế nào?

- Trước khi trình Quốc hội, đề nghị trưng cầu ý dân phải được Hội đồng dân tộc, Ủy ban có liên quan của Quốc hội thẩm tra. Nội dung thẩm tra đề nghị trưng cầu ý dân tập trung vào các vấn đề: Sự cần thiết của việc tổ chức trưng cầu ý dân; đối tượng, phạm vi tác động của vấn đề trưng cầu ý dân; nội dung cần trưng cầu ý dân; thời điểm trưng cầu ý dân; các phương án, giải pháp để thực hiện kết quả trưng cầu ý dân.

 Việc thẩm tra đề nghị trưng cầu ý dân phải được thực hiện tại phiên họp toàn thể của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội. Cơ quan chủ trì thẩm tra có trách nhiệm mời đại diện Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực Ủy ban khác của Quốc hội, cơ quan, tổ chức có liên quan tham dự phiên họp thẩm tra để phát biểu ý kiến về những nội dung của đề nghị trưng cầu ý dân.

Cơ quan thẩm tra có quyền yêu cầu cơ quan, người đã đề nghị trưng cầu ý dân báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu về những vấn đề liên quan đến nội dung đề nghị trưng cầu ý dân. Cơ quan, người được yêu cầu có trách nhiệm đáp ứng các yêu cầu của cơ quan thẩm tra.

Câu 10. Việc xem xét, cho ý kiến đề nghị trưng cầu ý dân do cơ quan nào thực hiện?

- Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về đề nghị trưng cầu ý dân quy định. Khi xét thấy đề nghị của cơ quan, người có thẩm quyền đề nghị trưng cầu ý dân đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa nội dung quyết định việc trưng cầu ý dân vào dự kiến chương trình làm việc của Quốc hội tại kỳ họp gần nhất để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

 Câu 11. Quốc hội xem xét, quyết định việc trưng cầu ý dân theo trình tự như thế nào?

- Đại diện cơ quan có thẩm quyền đề nghị trưng cầu ý dân trình bày tờ trình đề nghị trưng cầu ý dân; trường hợp đại biểu Quốc hội đề nghị trưng cầu ý dân thì đại diện Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày tờ trình đề nghị trưng cầu ý dân;

 Đại diện cơ quan chủ trì thẩm tra trình bày báo cáo thẩm tra;

 Quốc hội thảo luận tại phiên họp toàn thể về đề nghị trưng cầu ý dân. Trước khi thảo luận tại phiên họp toàn thể, đề nghị trưng cầu ý dân được thảo luận tại tổ đại biểu Quốc hội;

 Trong quá trình thảo luận, đại diện cơ quan đã đề nghị trưng cầu ý dân có thể giải trình về những vấn đề liên quan mà đại biểu Quốc hội nêu;

 Sau khi đề nghị trưng cầu ý dân được các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo, tổ chức việc nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết của Quốc hội về trưng cầu ý dân và báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết;

 Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết về trưng cầu ý dân.

Nghị quyết của Quốc hội về trưng cầu ý dân phải được quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành và được công bố theo quy định của pháp luật.

Câu 12. Việc tổ chức trưng cầu ý dân do cơ quan nào giám sát?

- Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc tổ chức trưng cầu ý dân; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và nhân dân giám sát việc tổ chức trưng cầu ý dân theo quy định của pháp luật.

(Còn nữa)

Trần Thị Bích Luy (Sở Tư pháp)


Ý kiến bạn đọc