Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu về Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân

08:07, 18/06/2016

Câu 1. Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân quy định về những vấn đề gì?

- Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội (QH) và Hội đồng nhân dân (HĐND) quy định về hoạt động giám sát của QH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Hội đồng Dân tộc (HĐDT), Ủy ban của QH, Đoàn đại biểu QH, đại biểu QH và HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động giám sát.

Câu 2. Giám sát theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND được hiểu như thế nào?

- Giám sát là việc chủ thể giám sát theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, xử lý theo thẩm quyền hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Câu 3. Luật quy định như thế nào về chủ thể giám sát?

- Chủ thể giám sát bao gồm QH, UBTVQH, HĐDT, các Ủy ban của QH, Đoàn đại biểu QH, đại biểu QH và HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND.

Câu 4. Luật quy định giám sát tối cao là gì?

- Giám sát tối cao là việc QH theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc tuân theo Hiến pháp, luật, nghị quyết của QH và xử lý theo thẩm quyền hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý. Giám sát tối cao được thực hiện tại kỳ họp QH.

Câu 5. Theo quy định của Luật, giám sát chuyên đề được hiểu như thế nào?

- Giám sát chuyên đề là việc chủ thể giám sát theo dõi, xem xét, đánh giá vấn đề hoặc hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật.

Câu 6. Các nguyên tắc hoạt động giám sát là gì?

- Hoạt động giám sát thực hiện theo 3 nguyên tắc sau:

- Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.

- Bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch, hiệu quả.

- Không làm cản trở đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát.

Câu 7. Thẩm quyền giám sát của HĐND được quy định như thế nào?

- Thẩm quyền giám sát của HĐND được quy định như sau: HĐND giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của HĐND cùng cấp; giám sát hoạt động của Thường trực HĐND, UBND, TAND, Viện KSND, cơ quan Thi hành án dân sự cùng cấp và Ban của HĐND cấp mình; giám sát quyết định của UBND cùng cấp và nghị quyết của HĐND cấp dưới trực tiếp.

Câu 8. Pháp luật quy định thẩm quyền giám sát của Thường trực HĐND như thế nào?

- Thẩm quyền giám sát của Thường trực HĐND được quy định như sau: Thường trực HĐND giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của HĐND cùng cấp; giám sát hoạt động của UBND, các cơ quan thuộc UBND, TAND, Viện KSND, cơ quan Thi hành án dân sự cùng cấp và HĐND cấp dưới; giám sát quyết định của UBND cùng cấp, nghị quyết của HĐND cấp dưới trực tiếp; giúp HĐND thực hiện quyền giám sát theo sự phân công của HĐND.

Câu 9. Xin cho biết các Ban của HĐND có thẩm quyền giám sát như thế nào?

- Các Ban của HĐND có thẩm quyền giám sát như sau: Ban của HĐND giúp HĐND giám sát hoạt động của TAND, Viện KSND, cơ quan Thi hành án dân sự cùng cấp; giám sát hoạt động của UBND, các cơ quan thuộc UBND cùng cấp thuộc lĩnh vực Ban phụ trách; giám sát văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) thuộc lĩnh vực Ban phụ trách.

Câu 10. Thẩm quyền giám sát  của Tổ đại biểu HĐND được quy định như thế nào?

- Thẩm quyền giám sát của Tổ đại biểu HĐND được quy định như sau:  Tổ đại biểu HĐND giám sát việc tuân theo Hiến pháp, luật, văn bản QPPL của cơ quan nhà nước cấp trên ở địa phương và nghị quyết của HĐND cùng cấp hoặc về vấn đề do HĐND, Thường trực HĐND phân công.

Câu 11. Pháp luật quy định như thế nào về thẩm quyền giám sát của đại biểu HĐND?

- Thẩm quyền giám sát của đại biểu HĐND được quy định như sau: đại biểu HĐND chất vấn Chủ tịch UBND, thành viên khác của UBND, Chánh án TAND, Viện trưởng Viện KSND, Thủ trưởng cơ quan thuộc UBND cùng cấp; trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân ở địa phương.

          (Còn nữa)

Nguyễn Thị Ngọc Dung

(Sở Tư pháp)


Ý kiến bạn đọc