Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu về Luật Trưng cầu ý dân

08:04, 05/06/2016

Câu 18. Tổ trưng cầu ý dân được thành lập dựa trên nguyên tắc nào?

- Tổ trưng cầu ý dân được thành lập ở mỗi khu vực bỏ phiếu chậm nhất là 40 ngày trước ngày bỏ phiếu trưng cầu ý dân. Tổ trưng cầu ý dân có từ 9 đến 11 thành viên (Tổ trưởng, thư ký và các thành viên là đại diện cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đại diện cử tri ở địa phương). Đơn vị vũ trang nhân dân được xác định là khu vực bỏ phiếu riêng được thành lập một Tổ trưng cầu ý dân có từ 7 đến 9 thành viên (Tổ trưởng, thư ký và các thành viên là đại diện chỉ huy đơn vị và đại diện quân nhân của đơn vị vũ trang nhân dân đó).

Trong trường hợp đơn vị vũ trang nhân dân và địa phương có chung một khu vực bỏ phiếu thì Ủy ban nhân dân cấp xã sau khi thống nhất với chỉ huy đơn vị vũ trang nhân dân quyết định thành lập Tổ trưng cầu ý dân có từ 9 đến 11 thành viên (Tổ trưởng, thư ký và các thành viên là đại diện cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đại diện cử tri ở địa phương, đại diện chỉ huy đơn vị và đại diện quân nhân của đơn vị vũ trang nhân dân đó).

Câu 19. Nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ trưng cầu ý dân được pháp luật quy định như thế nào?

- Tổ trưng cầu ý dân phụ trách công tác trưng cầu ý dân tại khu vực bỏ phiếu trưng cầu ý dân; bố trí phòng bỏ phiếu và chuẩn bị hòm phiếu; nhận tài liệu và phiếu trưng cầu ý dân từ Ủy ban nhân dân cấp xã; phát thẻ cử tri, phiếu trưng cầu ý dân có đóng dấu của Tổ trưng cầu ý dân cho cử tri; thông báo cho cử tri biết thời gian, địa điểm bỏ phiếu trưng cầu ý dân; bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về trưng cầu ý dân và nội quy phòng bỏ phiếu; kiểm phiếu và lập biên bản kết quả kiểm phiếu để gửi đến Ủy ban nhân dân cấp xã; giải quyết khiếu nại, tố cáo của cử tri; báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã về các khiếu nại, tố cáo của cử tri không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình; chuyển biên bản kết quả kiểm phiếu và toàn bộ phiếu trưng cầu ý dân đến Ủy ban nhân dân cấp xã; báo cáo tình hình tổ chức trưng cầu ý dân theo hướng dẫn của Ủy ban nhân dân cấp xã; tổ chức việc bỏ phiếu lại tại khu vực bỏ phiếu trưng cầu ý dân (nếu có). Tổ trưng cầu ý dân kết thúc hoạt động sau 30 ngày kể từ ngày kết quả trưng cầu ý dân được công bố.

Câu 20. Việc lập danh sách cử tri được thực hiện theo nguyên tắc nào?

- Mọi công dân có quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân đều được ghi tên vào danh sách cử tri và được phát thẻ cử tri. Mỗi công dân chỉ được ghi tên vào một danh sách cử tri ở nơi mình thường trú hoặc tạm trú.

Cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri tại nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, nơi có cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Cử tri là công dân Việt Nam ở nước ngoài trở về Việt Nam trong khoảng thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ thì đến xuất trình hộ chiếu có ghi quốc tịch Việt Nam tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi mình đăng ký thường trú hoặc tạm trú để được ghi tên vào danh sách cử tri và được phát thẻ cử tri.

(Còn nữa)

Trần Thị Bích Luy (Sở Tư pháp)


Ý kiến bạn đọc