Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu về Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (Tiếp theo)

11:40, 11/07/2016
Câu 23. Trình tự xem xét, thảo luận báo cáo của HĐND được quy định như thế nào?
Trả lời: HĐND xem xét, thảo luận báo cáo theo trình tự sau đây:
- Người đứng đầu cơ quan có báo cáo trình bày báo cáo;
- Trưởng Ban của HĐND trình bày báo cáo thẩm tra;
- Người đứng đầu cơ quan có báo cáo có thể trình bày bổ sung những vấn đề có liên quan mà HĐND quan tâm;
- HĐND thảo luận;
- HĐND có thể ra nghị quyết về công tác của cơ quan có báo cáo. 
 
Câu 24. Tại kỳ họp của HĐND, hoạt động chất vấn và xem xét trả lời chất vấn được quy định như thế nào?
Trả lời: Chất vấn và xem xét trả lời chất vấn của HĐND được quy định như sau:
- Trước phiên họp chất vấn, đại biểu HĐND ghi vấn đề chất vấn, người bị chất vấn vào phiếu chất vấn và gửi đến Thường trực HĐND.
- Căn cứ vào chương trình kỳ họp, ý kiến, kiến nghị của cử tri, vấn đề xã hội quan tâm và phiếu chất vấn của đại biểu HĐND, Thường trực HĐND đề nghị HĐND quyết định nhóm vấn đề chất vấn và người bị chất vấn.
 
Câu 25. Hoạt động chất vấn tại kỳ họp HĐND được thực hiện theo trình tự như thế nào?
Trả lời: Hoạt động chất vấn tại kỳ họp HĐND được thực hiện theo trình tự sau đây:
- Đại biểu HĐND nêu chất vấn, có thể cung cấp thông tin minh họa bằng hình ảnh, video, vật chứng cụ thể;
- Người bị chất vấn phải trả lời trực tiếp, đầy đủ vào vấn đề mà đại biểu HĐND đã chất vấn, không được ủy quyền cho người khác trả lời thay; xác định rõ trách nhiệm, biện pháp và thời hạn khắc phục hạn chế, bất cập (nếu có);
- Trường hợp đại biểu HĐND không đồng ý với nội dung trả lời chất vấn thì có quyền chất vấn lại để người bị chất vấn trả lời;
- Những người khác có thể được mời tham dự phiên họp và trả lời chất vấn của đại biểu HĐND về vấn đề thuộc trách nhiệm của mình.
Thời gian nêu chất vấn, thời gian trả lời chất vấn được thực hiện theo quy định tại Quy chế hoạt động của HĐND và đại biểu HĐND.
 
Câu 26. HĐND cho trả lời chất vấn bằng văn bản trong các trường hợp nào?
Trả lời: HĐND cho trả lời chất vấn bằng văn bản trong các trường hợp: Chất vấn không thuộc nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp; vấn đề chất vấn cần được điều tra, xác minh; chất vấn thuộc nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp nhưng chưa được trả lời tại kỳ họp.
Người bị chất vấn phải trực tiếp trả lời bằng văn bản. Văn bản trả lời chất vấn được gửi đến đại biểu HĐND đã chất vấn, Thường trực HĐND trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày chất vấn.
Sau khi nhận được văn bản trả lời chất vấn, nếu đại biểu HĐND không đồng ý với nội dung trả lời chất vấn thì có quyền đề nghị HĐND đưa ra thảo luận tại kỳ họp HĐND hoặc kiến nghị HĐND xem xét trách nhiệm đối với người bị chất vấn.
 
Câu 27. HĐND xem xét văn bản QPPL có dấu hiệu trái pháp luật của các cơ quan nào?
Trả lời: HĐND xem xét quyết định của UBND cùng cấp, nghị quyết của HĐND cấp dưới trực tiếp có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản QPPL của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của mình theo đề nghị của Thường trực HĐND.
 
Câu 28. Trình tự xem xét văn bản QPPL có dấu hiệu trái pháp luật của HĐND được quy định như thế nào?
Trả lời: HĐND xem xét theo trình tự sau:
- Đại diện Thường trực HĐND trình bày tờ trình;
- HĐND thảo luận.
- Người đứng đầu cơ quan đã ban hành văn bản QPPL trình bày bổ sung những vấn đề có liên quan;
- HĐND ra nghị quyết về việc xem xét văn bản.
 
Câu 29. Hiệu lực của văn bản QPPL sau khi HĐND xem xét được quy định như thế nào?
Trả lời: Nghị quyết của HĐND phải xác định văn bản QPPL trái hoặc không trái với Hiến pháp, luật, văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của HĐND cùng cấp; trường hợp văn bản QPPL trái với Hiến pháp, luật, văn bản QPPL của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của HĐND cùng cấp thì quyết định bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản đó.
 
Câu 30. HĐND lấy phiếu tín nhiệm đối với ai?
Trả lời: HĐND lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ sau đây:
- Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng Ban của HĐND; Chánh Văn phòng HĐND đối với HĐND cấp tỉnh;
- Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND, Ủy viên UBND.
 
Câu 31. Trình tự lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp HĐND được quy định như thế nào?
Trả lời: Việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện tại kỳ họp HĐND theo trình tự sau đây:
- Thường trực HĐND trình HĐND quyết định danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm;
- HĐND lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín;
- Thường trực HĐND trình HĐND thông qua nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm.
 
(Còn nữa)
 
Nguyễn Thị Ngọc Dung
(Sở Tư pháp)
 
[links()]

Ý kiến bạn đọc