Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu về Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (Tiếp theo)

09:07, 07/08/2016

Câu 46. Việc giải trình trong chương trình giám sát được quy định như thế nào?

- Căn cứ vào chương trình giám sát, Thường trực HĐND yêu cầu thành viên của UBND, Chánh án TAND, Viện trưởng Viện KSND cùng cấp giải trình và cá nhân có liên quan tham gia giải trình vấn đề mà Thường trực HĐND quan tâm.

Việc tổ chức giải trình, nội dung, kế hoạch tổ chức giải trình và người được yêu cầu giải trình do Thường trực HĐND quyết định.

Người được yêu cầu có trách nhiệm báo cáo, giải trình theo yêu cầu của Thường trực HĐND.

Đại biểu HĐND được mời tham dự và phát biểu ý kiến tại phiên giải trình. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học có thể được mời tham dự và phát biểu ý kiến tại phiên giải trình.

Câu 47. Trình tự phiên giải trình tại kỳ họp Thường trực HĐND được quy định như thế nào?

- Phiên giải trình tại kỳ họp Thường trực HĐND được tiến hành theo trình tự sau đây:

- Chủ tọa nêu nội dung yêu cầu giải trình, người có trách nhiệm giải trình;

- Thành viên Thường trực HĐND, đại biểu HĐND tham dự nêu yêu cầu giải trình;

- Người giải trình có trách nhiệm giải trình vấn đề được yêu cầu;

- Đại diện cơ quan, tổ chức được mời tham dự phiên giải trình phát biểu ý kiến;

- Chủ tọa tóm tắt nội dung phiên giải trình, dự kiến kết luận vấn đề được giải trình.

Thường trực HĐND xem xét, thông qua kết luận vấn đề được giải trình; kết luận được thông qua khi có quá nửa tổng số thành viên Thường trực HĐND biểu quyết tán thành.

Kết luận của Thường trực HĐND được gửi đến đại biểu HĐND, người được yêu cầu giải trình và cơ quan, tổ chức có liên quan.

Câu 48. Thường trực HĐND giám sát việc khiếu nại, tố cáo của công dân như thế nào?

- Thường trực HĐND giám sát việc khiếu nại, tố cáo của nhân dân như sau:

- Thường trực HĐND giám sát việc thi hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo; tổ chức Đoàn giám sát hoặc giao cho các Ban của HĐND giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo tại địa phương.

- Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì Thường trực HĐND yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật và khôi phục lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bị vi phạm; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý, xem xét trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; trường hợp không đồng ý với việc giải quyết của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó thì yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp xem xét, giải quyết.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của Thường trực HĐND và báo cáo Thường trực HĐND trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày ra quyết định giải quyết.

Câu 49. Thường trực HĐND giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri như thế nào?

- Thường trực HĐND có trách nhiệm giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri và chuẩn bị báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trình HĐND cùng cấp.

Câu 50. Cơ quan nào báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị cử tri cho Thường trực HĐND?

- UBND báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri.

Báo cáo của UBND về kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri phải được Ban của HĐND thẩm tra theo sự phân công của Thường trực HĐND.

Câu 51. Thường trực HĐND xem xét báo cáo việc giải quyết kiến nghị của cử tri theo trình tự nào?

- Thường trực HĐND xem xét báo cáo việc giải quyết kiến nghị của cử tri theo trình tự sau đây:

- Đại diện UBND trình bày báo cáo;

- Cơ quan thẩm tra trình bày báo cáo thẩm tra;

- Đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân được mời tham dự phiên họp phát biểu ý kiến;

- Thường trực HĐND thảo luận;

- Chủ tọa phiên họp kết luận.

 (Còn nữa)

Nguyễn Thị Ngọc Dung

 (Sở Tư pháp)

 


Ý kiến bạn đọc