Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu về Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (Tiếp theo)

08:27, 21/08/2016

Câu 57. Ban của HĐND giám sát việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân được quy định như thế nào?

Ban của HĐND giám sát việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân được quy định như sau:

- Ban của HĐND giám sát việc thi hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo; tổ chức đoàn giám sát để giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị tại địa phương.

- Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì Ban của HĐND yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật và khôi phục lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bị vi phạm; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý, xem xét trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; trường hợp không đồng ý với việc giải quyết của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó thì yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp xem xét, giải quyết.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của Ban của HĐND và phải báo cáo Ban của HĐND trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ra quyết định giải quyết.

Câu 58. Đại biểu HĐND giám sát thông qua các hoạt động nào?

Đại biểu HĐND thông qua các hoạt động sau đây:

- Chất vấn đại biểu HĐND chất vấn Chủ tịch UBND, thành viên khác của UBND, Chánh án TAND, Viện trưởng Viện KSND, thủ trưởng cơ quan thuộc UBND cùng cấp; trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân ở địa phương;

- Giám sát quyết định của UBND cùng cấp và nghị quyết của HĐND cấp dưới trực tiếp;

- Giám sát việc thi hành pháp luật ở địa phương;

- Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân.

Câu 59. Việc giám sát của tổ đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện được quy định như thế nào?

Tổ đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện giám sát việc tuân theo Hiến pháp, luật, văn bản QPPL của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của HĐND cùng cấp tại địa phương hoặc về các vấn đề do HĐND hoặc Thường trực HĐND phân công; tổ chức để đại biểu HĐND thực hiện hoạt động giám sát.

Câu 60. Quyền chất vấn của đại biểu HĐND được quy định như thế nào?

Đại biểu HĐND có quyền chất vấn trực tiếp tại kỳ họp HĐND, phiên họp Thường trực HĐND hoặc gửi chất vấn bằng văn bản đến đại biểu HĐND chất vấn Chủ tịch UBND, thành viên khác của UBND, Chánh án TAND, Viện trưởng Viện KSND, thủ trưởng cơ quan thuộc UBND cùng cấp; trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân ở địa phương.

Câu 61. Đại biểu HĐND có trách nhiệm gì trong việc giám giám sát văn bản QPPL? Trường hợp văn bản QPPL có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản QPPL của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của HĐND cùng cấp thì đại biểu HĐND có quyền gì?

Đại biểu HĐND có trách nhiệm nghiên cứu, xem xét nội dung quyết định của UBND cùng cấp và nghị quyết của HĐND cấp dưới trực tiếp.

Trường hợp phát hiện văn bản QPPL có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản QPPL của cơ quan Nhà nước cấp trên, nghị quyết của HĐND cùng cấp thì đại biểu HĐND có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản QPPL.

Câu 62. Nhiệm vụ, quyền hạn của tổ đại biểu HĐND trong việc giám sát thi hành pháp luật ở địa phương được quy định như thế nào?

Tổ đại biểu HĐND có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

- Thông báo nội dung, kế hoạch giám sát cho cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát chậm nhất là 7 ngày trước ngày bắt đầu tiến hành hoạt động giám sát;

- Mời đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tham gia giám sát.

Câu 63. Khi tiến hành giám sát, tổ đại biểu HĐND có nhiệm vụ, quyền hạn gì?

Khi tiến hành giám sát, đại biểu HĐND có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

- Thực hiện đúng nội dung, kế hoạch giám sát;

- Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì đại biểu HĐND có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật và khôi phục lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bị vi phạm; trường hợp cơ quan, tổ chức không thực hiện hoặc đại biểu HĐND không đồng ý với việc giải quyết thì đại biểu HĐND có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp xem xét giải quyết;

- Chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày kết thúc hoạt động giám sát, đại biểu HĐND báo cáo kết quả giám sát với Thường trực HĐND cùng cấp.

Câu 64. Khi nhận được khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, đại biểu HĐND có trách nhiệm gì? Trách nhiệm giải quyết của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền được quy định như thế nào?

Khi nhận được khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, đại biểu HĐND có trách nhiệm nghiên cứu và chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để xem xét, giải quyết; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết, đồng thời thông báo cho người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị biết.

- Trong thời hạn do pháp luật quy định, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải xem xét, giải quyết và thông báo bằng văn bản cho đại biểu HĐND biết kết quả giải quyết; trường hợp không đồng ý với việc giải quyết, đại biểu HĐND có quyền gặp người có thẩm quyền giải quyết hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết để yêu cầu giải quyết hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền.

Lê Thị Ngọc Dung

(Sở Tư pháp)

[links()]


Ý kiến bạn đọc