Multimedia Đọc Báo in

Một số quy định của Luật Tiếp cận thông tin

07:49, 02/09/2016

 

Câu 8. Thông tin được công khai bằng các hình thức nào?

Thông tin được công khai bằng các hình thức sau:

- Đăng tải trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan Nhà nước.

- Công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

- Đăng Công báo.

- Niêm yết tại trụ sở cơ quan Nhà nước và các địa điểm khác.

- Thông qua việc tiếp công dân, họp báo, thông cáo báo chí, hoạt động của người phát ngôn của cơ quan Nhà nước theo quy định của pháp luật.

- Các hình thức khác thuận lợi cho công dân do cơ quan có trách nhiệm công khai thông tin xác định.

 Câu 9. Công dân có thể yêu cầu cơ quan Nhà nước cung cấp thông tin trong những trường hợp nào?

- Thông tin trong thời hạn công khai nhưng chưa được công khai.

- Thông tin hết thời hạn công khai theo quy định của pháp luật.

- Thông tin đang được công khai nhưng vì lý do bất khả kháng người yêu cầu không thể tiếp cận được.

 Câu 10. Công dân có thể yêu cầu cung cấp thông tin bằng các hình thức nào?

Công dân có thể yêu cầu cung cấp thông tin bằng các hình thức sau đây:

- Trực tiếp hoặc ủy quyền cho người khác đến trụ sở của cơ quan Nhà nước yêu cầu cung cấp thông tin.

- Gửi Phiếu yêu cầu qua mạng điện tử, dịch vụ bưu chính, fax đến cơ quan cung cấp thông tin.

 Câu 11. Trình tự, thủ tục cung cấp thông tin theo yêu cầu?

- Trường hợp cung cấp thông tin trực tiếp tại trụ sở cơ quan cung cấp thông tin:

+ Đối với thông tin đơn giản, có sẵn có thể cung cấp ngay cho người yêu cầu cung cấp thông tin.

+ Đối với thông tin phức tạp, không có sẵn mà cần tập hợp từ các bộ phận của cơ quan đó hoặc thông tin cần thiết phải có ý kiến của cơ quan, tổ chức, đơn vị khác thì chậm nhất là 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ; trường hợp cần gia hạn để xem xét, tìm kiếm, tập hợp, sao chép, giải quyết yêu cầu cung cấp thông tin thì tối đa không quá 10 ngày làm việc.

- Trường hợp cung cấp thông tin qua mạng điện tử:

+ Đối với thông tin đơn giản, có sẵn chậm nhất là 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ.

+ Đối với thông tin phức tạp, cần tập hợp từ các bộ phận của cơ quan đó hoặc phải có ý kiến của cơ quan khác chậm nhất là 15 ngày làm việc; trường hợp cần gia hạn thì tối đa không quá 15 ngày làm việc.

- Trường hợp cung cấp thông tin thông qua dịch vụ bưu chính, fax:

+ Đối với thông tin đơn giản, có sẵn có thể cung cấp ngay thì chậm nhất là 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ.

+ Đối với thông tin phức tạp, cần tập hợp từ các bộ phận của cơ quan đó hoặc phải có ý kiến của cơ quan khác chậm nhất là 15 ngày làm việc; trường hợp cần gia hạn thì tối đa không quá 15 ngày làm việc.

 Câu 12. Nếu nghi ngờ thông tin tiếp cận không chính xác người dân có quyền như thế nào?

Trường hợp công dân cho rằng thông tin tiếp cận là không chính xác thì có quyền kiến nghị cơ quan đã công khai thông tin đó hoặc yêu cầu cơ quan đã cung cấp thông tin theo yêu cầu cung cấp lại thông tin chính xác. Chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị, yêu cầu của công dân, cơ quan Nhà nước có trách nhiệm kiểm tra tính chính xác của thông tin và trả lời cho công dân (đối với trường hợp Ủy ban nhân dân cấp xã không thể xác định được tính chính xác của thông tin do mình nắm giữ, thì trong thời hạn 23 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của người yêu cầu cung cấp thông tin, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm trả lời cho công dân).

Nguyễn Duy Bình

(Sở Tư pháp)


Ý kiến bạn đọc