Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu về Bộ Luật Dân sự năm 2015 (Kỳ I)

06:21, 22/10/2016

Câu 1: Phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Dân sự năm 2015 có điểm gì mới so với Bộ luật Dân sự năm 2005?  

Bộ Luật Dân sự năm 2015 xác định rõ phạm vi chủ thể của quan hệ dân sự chỉ bao gồm cá nhân và pháp nhân, không có chủ thể khác như Bộ luật Dân sự năm 2005.

Câu 2: Bộ luật Dân sự năm 2015 bổ sung quy định về năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự của cá nhân như thế nào?

Bộ luật Dân sự năm 2015 bổ sung quy định về “Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi” như sau: Do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.

Câu 3: Bộ luật Dân sự năm 2015 bổ sung quy định về quyền nhân thân như thế nào?

- Quyền được khai sinh, khai tử (Điều 30 khoản 3) bổ sung: Trẻ em sinh ra mà sống được từ hai mươi bốn giờ trở lên mới chết thì phải được khai sinh và khai tử; nếu sinh ra mà sống dưới hai mươi bốn giờ thì không phải khai sinh và khai tử, trừ trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ có yêu cầu.

- Quyền xác định lại giới tính (Điều 36) quy định: Cá nhân có quyền xác định lại giới tính. Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính.

Cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được xác định lại theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.

- Về Chuyển đổi giới tính: Cho phép chuyển đổi giới tính theo quy định của pháp luật (Điều 37). Theo đó, cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.

Câu 4: Bộ luật Dân sự năm 2015 bổ sung quy định về giám hộ như thế nào?

- Người được giám hộ: bổ sung thêm đối tượng là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (Điều 47).

- Về điều kiện của cá nhân làm người giám hộ (Điều 49) bổ sung thêm điều kiện: Không phải là người bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con chưa thành niên.

Câu 5: Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định có mấy loại pháp nhân? Cụ thể?

Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định có 2 loại pháp nhân (Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định có 6 loại pháp nhân), bao gồm:

- Pháp nhân thương mại: mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên.

- Pháp nhân phi thương mại: không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận; nếu có lợi nhuận thì cũng không được phân chia cho các thành viên. Bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, doanh nghiệp xã hội và các tổ chức phi thương mại khác.

Lương Hà Hải Châu

(Sở Tư pháp)


Ý kiến bạn đọc