Tìm hiểu về Bộ Luật Dân sự năm 2015 (Kỳ II)
Các tin liên quan |
Câu 6: Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định nội dung về tài sản như thế nào?
Để bảo đảm tính bao quát, minh bạch, công khai, huy động và phát huy được hết các nguồn lực vật chất trong xã hội, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã bổ sung quy định, theo đó, tài sản có thể là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.
Quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là bất động sản phải được đăng ký theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và pháp luật về đăng ký tài sản. Quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là động sản không phải đăng ký, trừ trường hợp pháp luật về đăng ký tài sản có quy định khác Việc đăng ký tài sản phải được công khai.
Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền và có thể là đối tượng trong quan hệ dân sự, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác, trong đó, quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015 và pháp luật về sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Đất đai.
Câu 7: Bộ luật Dân sự năm 2015 bổ sung một số quy định đối với giao dịch dân sự như thế nào?
- Đối với giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, trừ các trường hợp sau đây:
+ Giao dịch đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất 2/3 nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó;
+ Giao dịch đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất 2/3 nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.
- Quy định về giải quyết hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu cũng được sửa đổi để bảo đảm công bằng, phù hợp hơn với quyền, lợi ích của chủ thể xác lập giao dịch: “Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó”.
Câu 8: Bộ luật Dân sự năm 2015 bổ sung một số quy định đối với đại diện như thế nào?
Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có một số sửa đổi, bổ sung quy định về đại diện nhằm tạo điều kiện pháp lý tốt hơn trong việc trợ giúp cá nhân, pháp nhân thực hiện, bảo vệ các quyền dân sự của mình và hạn chế rủi ro pháp lý trong các quan hệ dân sự. Cụ thể:
- Điều 137 quy định: Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân là người được pháp nhân chỉ định theo điều lệ; đại diện theo quy định của pháp luật; người do Tòa án chỉ định trong quá trình tố tụng tại Tòa án.
Một pháp nhân có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật.
- Pháp nhân có thể là người đại diện theo ủy quyền cho các chủ thể khác.
(Còn nữa)
Lương Hà Hải Châu (Sở Tư pháp)
Ý kiến bạn đọc