Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu về Bộ Luật Dân sự năm 2015 (Kỳ cuối)

12:28, 12/11/2016

Câu 13: Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về hợp đồng như thế nào?

Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định các điều khoản chung về hợp đồng, định hướng cho việc xây dựng các quy định về hợp đồng trong các luật khác có liên quan và đủ để áp dụng trong trường hợp các luật khác có liên quan thiếu quy định về hợp đồng. Ngoài ra, một số quy định mới phù hợp với thông lệ quốc tế, với thực tiễn nước ta đã được bổ sung, nhất là các quy định về điều kiện giao dịch chung, điều chỉnh hợp đồng khi có thay đổi hoàn cảnh, phụ lục hợp đồng, hủy bỏ và hậu quả của hủy bỏ hợp đồng...

Về điều kiện giao dịch chung trong giao kết hợp đồng, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định điều kiện giao dịch chung theo hướng, đó là những điều khoản ổn định do một bên công bố để áp dụng chung cho bên được đề nghị giao kết hợp đồng; nếu bên được đề nghị chấp nhận giao kết hợp đồng thì coi như chấp nhận các điều khoản này. Điều kiện giao dịch chung chỉ có hiệu lực với bên xác lập giao dịch trong trường hợp điều kiện giao dịch này đã được công khai theo trình tự, thể thức do pháp luật quy định để bên xác lập giao dịch biết hoặc phải biết về điều kiện đó.

- Về thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản:

Điều 420 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản, bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý. Trường hợp các bên không thể thỏa thuận được về việc sửa đổi hợp đồng trong thời hạn hợp lý, một trong các bên có thể yêu cầu tòa án: Chấm dứt hợp đồng tại một thời điểm xác định; sửa đổi hợp đồng để cân bằng và lợi ích hợp pháp của các bên do hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Tòa án chỉ được quyết định việc sửa đổi hợp đồng trong trường hợp việc chấm dứt hợp đồng sẽ gây thiệt hại lớn hơn so với các chi phí để thực hiện hợp đồng nếu được sửa đổi. Trong quá trình đàm phán sửa đổi, chấm dứt hợp đồng, tòa án giải quyết vụ việc, các bên vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

Câu 14: Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về một số hợp đồng thông dụng như thế nào?

Bộ luật Dân sự năm 2015 chỉ quy định về một số hợp đồng mang tính đặc trưng và đại diện cho quan hệ pháp luật dân sự. So với Bộ luật Dân sự năm 2005, Bộ luật Dân sự năm 2015 không quy định về hợp đồng mua bán nhà ở, hợp đồng thuê nhà ở, hợp đồng bảo hiểm. Những hợp đồng này đã được quy định trong Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bảo hiểm. Bên cạnh đó, Bộ luật cũng bổ sung một loại hợp đồng mới là hợp đồng hợp tác để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn về hợp tác trong sản xuất, kinh doanh. Đối với một số hợp đồng cơ bản như hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng vay tài sản, hợp đồng thuê tài sản..., Bộ luật bổ sung nhiều quy định để bảo đảm các quy định này có thể áp dụng cho các hợp đồng có liên quan và cũng bao quát được những dạng thức hợp đồng phát sinh, đặc thù có thể phát sinh trong tương lai, cụ thể như sau:

- Về hợp đồng mua bán tài sản, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, tài sản được quy định tại Bộ luật này đều có thể là đối tượng của hợp đồng mua bán. Trong trường hợp theo quy định của luật, tài sản bị cấm hoặc bị hạn chế chuyển nhượng thì tài sản bán phải phù hợp với các quy định đó. Tài sản bán phải thuộc sở hữu của người bán hoặc người bán có quyền bán tài sản đó. Khi các bên không có thỏa thuận, thỏa thuận không rõ ràng về chất lượng tài sản mua bán thì chất lượng của tài sản mua bán được xác định theo tiêu chuẩn đã được công bố theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc theo tiêu chuẩn ngành nghề. Trong trường hợp không có các tiêu chuẩn này thì chất lượng của tài sản mua bán được xác định theo tiêu chuẩn thông thường hoặc theo tiêu chuẩn riêng phù hợp với mục đích giao kết hợp đồng và theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...;

- Lãi suất trong hợp đồng vay tài sản:

Bộ luật Dân sự năm 2015 không sử dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố làm lãi suất tham chiếu. Thay vì sử dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố làm lãi suất tham chiếu khi xác định trần lãi suất cho vay cũng như xác định các lãi suất liên quan đến các trách nhiệm dân sự khác như: lãi suất phát sinh do chậm trả tiền trong trách nhiệm dân sự do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền (Điều 357); lãi suất áp dụng trong trường hợp bên mua hàng đã trả tiền nhưng chưa nhận vật do giao không đồng bộ (Điều 438).

- Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

Lãi suất vay do các bên thỏa thuận và không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại thời điểm trả nợ.

Như vậy, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định mức trần lãi suất cho vay cụ thể ở mức 20%/năm và sử dụng mức lãi suất này làm lãi suất tham chiếu để xác định các lãi suất khác có liên quan.

Quy định tại Điều 468 loại trừ việc áp dụng mức trần lãi suất vay 20% trong “trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”. Theo quy định tại Điều 12 Luật Ngân hàng nhà nước và khoản 2, 3 Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng, trong điều kiện bình thường, lãi suất trong hoạt động ngân hàng sẽ thực hiện theo cơ chế tự thỏa thuận, không có trần lãi suất.

- Bộ luật Dân sự năm 2015 không quy định về lãi suất phạt chậm trả áp dụng trong trường hợp bên bảo hiểm chậm trả tiền bảo hiểm và bên thuê chậm trả tiền thuê quyền sử dụng đất do không có nội dung quy định cụ thể về hợp đồng bảo hiểm và hợp đồng thuê quyền sử dụng đất như tại Bộ luật Dân sự năm 2005. Việc áp dụng lãi suất phạt chậm trả trong các trường hợp này được thực hiện theo quy định tại Điều 357 về trách nhiệm dân sự do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền.

- Về lãi suất áp dụng trong trường hợp bên vay vi phạm nghĩa vụ trả nợ (lãi suất nợ quá hạn), khoản 4 Điều 466 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định cụ thể, rõ ràng về lãi suất phạt quá hạn áp dụng trong trường hợp bên vay vi phạm nghĩa vụ trả nợ: Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:

a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;

b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Quy định này làm rõ cơ chế, cách xác định lãi suất nợ quá hạn, tôn trọng sự thỏa thuận của các bên trong việc xác định lãi suất quá hạn, phù hợp với nguyên tắc và bản chất của quan hệ dân sự, đồng thời, khắc phục bất cập tại Bộ luật Dân sự năm 2005 còn nhiều cách hiểu không thống nhất khi tính lãi suất phạt quá hạn.

- Về hợp đồng hợp tác (từ Điều 504 đến Điều 512), Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: hợp đồng hợp tác là sự thỏa thuận giữa các cá nhân, pháp nhân về việc cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm. Hợp đồng hợp tác phải được lập thành văn bản. Bên cạnh đó, Bộ luật cũng quy định những vấn đề liên quan đến nội dung của hợp đồng hợp tác; quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm dân sự của thành viên hợp tác; việc rút khỏi, gia nhập hợp đồng hợp tác; chấm dứt hợp đồng hợp tác.

 Câu 15: Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng như thế nào?

Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định người bị thiệt hại không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của bên gây thiệt hại để thay thế cho quy định hiện hành đang tạo gánh nặng chứng minh của người bị thiệt hại. Theo đó, người nào có hành vi trái pháp luật xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Bộ luật Dân sự năm 2015 bổ sung quy định trường hợp tài sản gây ra thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản có nghĩa vụ bồi thường cho người bị thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại.

Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 3 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm (Điều 588).

Lương Hà Hải Châu

(Sở Tư pháp)

[links()]


Ý kiến bạn đọc