Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu về Bộ Luật Dân sự năm 2015 (Kỳ III)

08:56, 05/11/2016

Câu 9: Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định nội dung về thời hiệu thừa kế như thế nào?

Để khắc phục những bất cập về thời hiệu khởi kiện thừa kế trong Bộ luật Dân sự năm 2005, phù hợp với quyền của người thừa kế, người khác có liên quan đến di sản và những đặc thù về văn hóa, tính chất của di sản, Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định thời hiệu thừa kế như sau:

- Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó;

Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

- Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

+ Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;

+ Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại tại Điều 236 Bộ luật này.

- Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

- Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 3 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

 

Câu 10: Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về hình thức sở hữu như thế nào?

- Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định hình thức sở hữu bao gồm: sở hữu toàn dân, sở hữu riêng và sở hữu chung.

+ Sở hữu toàn dân là sở hữu đối với tài sản công, bao gồm đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý.

+ Sở hữu riêng là sở hữu của một chủ thể, bao gồm cá nhân, pháp nhân.

+ Sở hữu chung là sở hữu của nhiều chủ thể đối với một tài sản.

- Việc xác định các hình thức sở hữu dựa vào sự khác biệt trong cách thức thực hiện các quyền năng của chủ sở hữu.

 

Câu 11: Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền của cá nhân, pháp nhân không phải là chủ sở hữu tài sản như thế nào?

 Bên cạnh quyền sở hữu, Bộ luật Dân sự năm 2015 ghi nhận cụ thể một số quyền của người không phải là chủ sở hữu đối với tài sản, gồm: Quyền đối với bất động sản liền kề; Quyền hưởng dụng; Quyền bề mặt.

- Về quyền đối với bất động sản liền kề, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định (từ Điều 245 đến Điều 256) đây là một quyền được thực hiện trên một bất động sản (gọi là bất động sản chịu hưởng quyền) nhằm phục vụ cho việc khai thác một bất động sản khác thuộc quyền sở hữu của người khác (gọi là bất động sản hưởng quyền). Quyền đối với bất động sản liền kề được xác lập do địa thế tự nhiên, theo luật định, theo thỏa thuận hoặc di chúc. Quyền đối với bất động sản liền kề được thực hiện theo thỏa thuận của các bên. Trường hợp các bên không có thỏa thuận thì thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm nhu cầu hợp lý của việc khai thác bất động sản hưởng quyền, phù hợp với mục đích sử dụng của cả bất động sản hưởng quyền và bất động sản chịu hưởng quyền. Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền không lạm dụng quyền đối với bất động sản chịu hưởng quyền; chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền không được thực hiện các hành vi ngăn cản hoặc làm cho việc thực hiện quyền đối với bất động sản hưởng quyền trở nên khó khăn.

- Về quyền hưởng dụng, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định (từ Điều 257 đến Điều 266) theo hướng, quyền hưởng dụng là quyền của chủ thể được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác trong một thời hạn nhất định. Quyền hưởng dụng được xác lập theo quy định của luật, theo thỏa thuận hoặc di chúc.

Thời hạn của quyền hưởng dụng do các bên thỏa thuận hoặc do luật định nhưng tối đa chỉ đến hết cuộc đời của người hưởng dụng đầu tiên, nếu người hưởng dụng là cá nhân và đến khi pháp nhân chấm dứt tồn tại nhưng tối đa 30 năm, nếu người hưởng dụng đầu tiên là pháp nhân.

- Về quyền bề mặt, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định (từ Điều 267 đến Điều 273) theo hướng, quyền bề mặt là quyền của chủ thể đối với mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất mà quyền sử dụng đất đó thuộc về chủ thể khác. Quyền bề mặt được xác lập theo quy định của luật, theo thỏa thuận hoặc theo di chúc. Đối tượng của quyền bề mặt có thể là vật cụ thể gắn với đất hoặc là phần không gian, theo đó vật gắn với đất sẽ được tạo lập. Vật cụ thể gắn với đất có thể là vật nằm trên bề mặt đất, nằm dưới mặt đất hoặc phần không gian trên mặt đất. Chủ thể quyền bề mặt có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với vật đó. Trong trường hợp đối tượng của quyền là phần không gian mà trong đó các vật gắn với đất có thể được tạo lập thì chủ sở hữu phần không gian có quyền xây dựng, trồng cây, canh tác và có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với vật mới được tạo ra.

Câu 12: Bộ luật Dân sự năm 2015 bổ sung quy định về trách nhiệm dân sự như thế nào?

  Điều 351 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Bên có nghĩa vụ mà vi phạm nghĩa vụ thì bị suy đoán là có lỗi và phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền;

 Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác;

Bên có nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm dân sự nếu chứng minh được nghĩa vụ không thực hiện được là hoàn toàn do lỗi của bên có quyền;

Bên có quyền phải áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để thiệt hại không xảy ra hoặc hạn chế thiệt hại cho mình (Điều 262);

Trường hợp vi phạm nghĩa vụ và có thiệt hại là do một phần lỗi của bên có quyền thì bên có nghĩa vụ chỉ phải bồi thường thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình.

(Còn nữa)

Lương Hà Hải Châu

(Sở Tư pháp)

[links()]


Ý kiến bạn đọc