Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu về Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam (Kỳ II)

07:03, 10/12/2016

Câu 5. Cơ cấu tổ chức của Nhà tạm giữ được quy định như thế nào ?

Nhà tạm giữ được tổ chức như sau:

- Nhà tạm giữ có buồng tạm giữ, buồng tạm giam, buồng kỷ luật, buồng quản lý phạm nhân; có các công trình phục vụ việc quản lý giam giữ, hoạt động tố tụng hình sự. Tùy quy mô giam giữ, nhà tạm giữ có thể có các công trình phục vụ sinh hoạt, chăm sóc y tế, giáo dục người bị tạm giữ, người bị tạm giam, thi hành án phạt tù; có các công trình làm việc, sinh hoạt của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân, viên chức công tác tại nhà tạm giữ;

- Tổ chức bộ máy của nhà tạm giữ trong Công an nhân dân gồm có Trưởng nhà tạm giữ, Phó Trưởng nhà tạm giữ, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân, viên chức làm nhiệm vụ quản giáo, trinh sát, bảo vệ, hỗ trợ tư pháp, tham mưu tổng hợp, hậu cần, kỹ thuật, giáo dục, y tế, hồ sơ;

- Tổ chức bộ máy của nhà tạm giữ Cơ quan điều tra hình sự khu vực trong Quân đội nhân dân gồm có Trưởng nhà tạm giữ, Phó Trưởng nhà tạm giữ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng làm nhiệm vụ quản giáo, trinh sát, bảo vệ, hỗ trợ tư pháp, tham mưu tổng hợp, hậu cần, kỹ thuật, giáo dục, y tế, hồ sơ;

- Trưởng nhà tạm giữ, Phó Trưởng nhà tạm giữ phải là người có trình độ đại học cảnh sát, đại học an ninh hoặc cử nhân luật trở lên và bảo đảm các tiêu chuẩn khác do Chính phủ quy định.

Câu 6. Việc phân loại quản lý người bị tạm giữ, người bị tạm giam được quy định như thế nào?

Người bị tạm giữ, người bị tạm giam được bố trí theo khu và phân loại như sau:

- Người bị tạm giữ;

- Người bị tạm giam;

- Người dưới 18 tuổi;

- Phụ nữ;

- Người nước ngoài;

- Người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A;

- Người thực hiện hành vi phạm tội có tính chất côn đồ; giết người; cướp tài sản thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; tái phạm nguy hiểm;

- Người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia;

- Người bị kết án tử hình;

- Người đang chờ chấp hành án phạt tù;

- Người thường xuyên vi phạm nội quy của cơ sở giam giữ;

- Người có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình nhưng chưa được giám định, đang chờ kết quả giám định hoặc đang chờ đưa đi cơ sở bắt buộc chữa bệnh.

Câu 7. Những trường hợp nào người bị tạm giữ, người bị tạm giam có thể được bố trí giam giữ ở buồng riêng?

Những người bị tạm giữ, người bị tạm giam thuộc các trường hợp sau có thể được bố trí giam giữ ở buồng riêng gồm:

- Người đồng tính, người chuyển giới;

- Phụ nữ có thai hoặc có con dưới 36 tháng tuổi ở cùng.

- Người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A

- Người bị kết án tử hình

- Người có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình nhưng chưa được giám định, đang chờ kết quả giám định hoặc đang chờ đưa đi cơ sở bắt buộc chữa bệnh.

Câu 8. Thực hiện trích xuất người bị tạm giữ, người bị tạm giam được thực hiện trong trường hợp nào?

Việc trích xuất người bị tạm giữ, người bị tạm giam chỉ được thực hiện khi có lệnh trích xuất của người có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành án hình sự và Luật này, trong trường hợp sau đây:

- Để phục vụ cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án;

- Đưa đi khám bệnh, chữa bệnh, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần;

- Gặp thân nhân, người bào chữa hoặc người đại diện hợp pháp để thực hiện một số quyền, nghĩa vụ do luật định;

- Người nước ngoài bị tạm giữ, tạm giam tiếp xúc lãnh sự hoặc tiếp xúc với các tổ chức nhân đạo theo quy định tại điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo sự thỏa thuận giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với nước có người bị tạm giữ, người bị tạm giam hoặc vì lý do đối ngoại đối với từng trường hợp cụ thể.

Trường hợp Giám thị trại tạm giam, Trưởng nhà tạm giữ, Trưởng buồng tạm giữ của đồn biên phòng trích xuất người bị tạm giữ, người bị tạm giam đi khám bệnh, chữa bệnh thì phải thông báo ngay cho cơ quan đang thụ lý vụ án và Viện kiểm sát có thẩm quyền.

(Còn nữa)

Trần Thị Bích Luy (Sở Tư pháp)

[links()]


Ý kiến bạn đọc