Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu Luật Tố tụng hành chính năm 2015 (Kỳ I)

08:38, 07/01/2017

Câu 1. Xin cho biết đôi điều về Luật Tố tụng hành chính năm 2015?

Luật Tố tụng hành chính năm 2015 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 25-11-2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016. Luật Tố tụng hành chính năm 2015 gồm 23 chương, 372 điều với bố cục cụ thể: Những quy định chung; Thẩm quyền của Tòa án; Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và việc thay đổi người tiến hành tố tụng; Người tham gia tố tụng, quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng; Các biện pháp khẩn cấp tạm thời; Chứng minh và chứng cứ; Cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng; Phát hiện và kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án; Khởi kiện, thụ lý vụ án; Thủ tục đối thoại và chuẩn bị xét xử; Phiên tòa sơ thẩm; Thủ tục giải quyết khiếu kiện danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, danh sách cử tri trưng cầu ý dân; Thủ tục phúc thẩm; Giải quyết vụ án hành chính theo thủ tục rút gọn tại Tòa án; Thủ tục giám đốc thẩm; Thủ tục tái thẩm; Thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Thủ tục giải quyết vụ án hành chính có yếu tố nước ngoài; Thủ tục thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính; Xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hành chính; Khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hành chính; Án phí, lệ phí và các chi phí tố tụng khác; Điều khoản thi hành.

Câu 2. Xin cho biết rõ hơn về các khái niệm: quyết định hành chính; quyết định hành chính bị kiện; hành vi hành chính; hành vi hành chính bị kiện; đương sự; người khởi kiện; người bị kiện; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; cơ quan, tổ chức?

Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước ban hành hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó ban hành quyết định về vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể.

Quyết định hành chính bị kiện là quyết định hành chính mà quyết định đó làm phát sinh, thay đổi, hạn chế, chấm dứt quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc có nội dung làm phát sinh nghĩa vụ, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.

Hành vi hành chính bị kiện là hành vi hành chính mà hành vi đó làm ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Đương sự bao gồm người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Người khởi kiện là cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, danh sách cử tri trưng cầu ý dân (sau đây gọi chung là danh sách cử tri).

Người bị kiện là cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri bị khởi kiện.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức, cá nhân tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án hành chính có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ tự mình hoặc đương sự khác đề nghị và được Tòa án nhân dân (sau đây gọi là Tòa án) chấp nhận hoặc được Tòa án đưa vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Cơ quan, tổ chức bao gồm cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân và các tổ chức khác được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.

Câu 3. Quyền quyết định và tự định đoạt của người khởi kiện được pháp luật quy định thế nào?

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền quyết định việc khởi kiện vụ án hành chính. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ án hành chính khi có đơn khởi kiện của người khởi kiện.

Trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, người khởi kiện có quyền thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu khởi kiện, thực hiện các quyền tố tụng khác của mình theo quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015.

(Còn nữa)

Bùi Thị Trang  (Sở Tư pháp)


Ý kiến bạn đọc