Multimedia Đọc Báo in

Hỏi – đáp một số nội dung cơ bản Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 và một số văn bản liên quan

12:26, 17/02/2017

Câu 1. Về nghĩa vụ quân sự được quy định như thế nào?

Trả lời: Tại Điều 4, Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định:

1. Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân. Thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân.

2. Công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật này.

3. Công dân phục vụ trong lực lượng Cảnh sát biển và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân được coi là thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ.

4. Công dân thuộc một trong các trường hợp sau đây được công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình:

a) Dân quân tự vệ nòng cốt đã hoàn thành nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ, trong đó có ít nhất 12 tháng làm nhiệm vụ dân quân tự vệ thường trực;

b) Hoàn thành nhiệm vụ tham gia Công an xã liên tục từ đủ 36 tháng trở lên;

c) Cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên tốt nghiệp đại học trở lên, đã được đào tạo và phong quân hàm sĩ quan dự bị;

d) Thanh niên đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp tình nguyện phục vụ tại đoàn kinh tế - quốc phòng từ đủ 24 tháng trở lên theo Đề án do Thủ tướng Chính phủ quyết định;

đ) Công dân phục vụ trên tàu kiểm ngư từ đủ 24 tháng trở lên.

Câu 2: Quyền và nghĩa vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ được quy định như thế nào?

Trả lời: Điều 9, Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định:

1. Hạ sĩ quan, binh sĩ được Nhà nước bảo đảm chế độ, chính sách ưu đãi phù hợp với tính chất hoạt động của Quân đội nhân dân.

2. Hạ sĩ quan, binh sĩ có nghĩa vụ;

a) Tuyệt đói trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

b) Sẵn sàng chiến đấu, hy sinh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao và thực hiện nghĩa vụ quốc tế;

c) Bảo vệ tài sản và lợi ích của Nhà nước, cơ quan, tổ chức; bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân; tham gia bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội theo quy định của pháp luật;

d) Chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Điều lệnh, Điều lệ của Quân đội nhân dân;

đ) Học tập chính trị, quân sự, văn hóa, khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ; rèn luyện tính tổ chức, ý thức kỷ luật và thể lực; nâng cao bản lĩnh chính trị, bản lĩnh chiến đấu.

Câu 3. Thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ được quy định như thế nào?

Trả lời: Điều 21, Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định:

1. Thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ là 24 tháng.

2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng được quyết định kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ nhưng không quá 6 tháng trong trường hợp sau đây:

a) Để bảo đảm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu;

b) Đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tại, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn.

3. Thời hạn phục vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ trong tình trạng chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp về quốc phòng được thực hiện theo lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ.

Câu 4. Cách tính thời gian phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ được quy định như thế nào?

Trả lời: Điều 22, Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định:

1. Thời gian phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ được tính từ ngày giao, nhận quân; trong trường hợp không giao, nhận quân tập trung thì tính từ ngày đơn vị Quân đội nhân dân tiếp nhận đến khi được cấp có thẩm quyền quyết định xuất ngũ.

2. Thời gian đào ngũ, thời gian chấp hành hình phạt tù tại trại giam không được tính thời gian phục vụ tại ngũ.

(Còn nữa)

(Tài liệu tuyên truyền của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk)


Ý kiến bạn đọc