Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu về Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 (Kỳ III)

08:56, 21/05/2017

Câu 12. Các khoản thu từ việc tổ chức lễ hội tín ngưỡng được quản lý, sử dụng như thế nào?

Thứ nhất, người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng có trách nhiệm quản lý và sử dụng đúng mục đích, công khai, minh bạch khoản thu từ việc tổ chức lễ hội.

Thứ hai, chậm nhất là 20 ngày kể từ ngày kết thúc lễ hội, người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về khoản thu, mục đích sử dụng khoản thu đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Câu 13 Xin cho biết tổ chức tôn giáo là gì? Thế nào là tổ chức tôn giáo trực thuộc? Cơ sở tôn giáo bao gồm những gì?

Tổ chức tôn giáo là tập hợp tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành của một tôn giáo được tổ chức theo một cơ cấu nhất định được Nhà nước công nhận nhằm thực hiện các hoạt động tôn giáo.

Tổ chức tôn giáo trực thuộc là tổ chức thuộc tổ chức tôn giáo, được thành lập theo hiến chương, điều lệ, quy định của tổ chức tôn giáo.

Cơ sở tôn giáo gồm chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, trụ sở của tổ chức tôn giáo, cơ sở hợp pháp khác của tổ chức tôn giáo.

Câu 14. Để được công nhận là tổ chức tôn giáo thì phải có những điều kiện gì?

Tổ chức đã được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo được công nhận là tổ chức tôn giáo khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

1. Hoạt động ổn định, liên tục từ đủ 5 năm trở lên kể từ ngày được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo;

2. Có hiến chương theo quy định;

3. Người đại diện, người lãnh đạo tổ chức là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; không có án tích hoặc không phải là người đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự;

4. Có cơ cấu tổ chức theo hiến chương;

5. Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;

6. Nhân danh tổ chức tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Câu 15. Pháp luật quy định như thế nào về tên của tổ chức tôn giáo?

1. Tổ chức tôn giáo phải có tên bằng tiếng Việt.

2. Tên của tổ chức tôn giáo không trùng với tên tổ chức tôn giáo khác hoặc tổ chức khác đã được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, tên tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hoặc tên danh nhân, anh hùng dân tộc.

3. Tên của tổ chức tôn giáo được sử dụng trong quan hệ với tổ chức, cá nhân khác.

4. Tên của tổ chức tôn giáo được pháp luật công nhận và bảo vệ.

5. Tổ chức tôn giáo thay đổi tên phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định chấp thuận.

6. Tổ chức tôn giáo trực thuộc thay đổi tên thì tổ chức tôn giáo có trách nhiệm đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

Câu 16. Việc thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc được quy định như thế nào?

1. Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc được thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc; chia, tách tổ chức tôn giáo trực thuộc thành nhiều tổ chức tôn giáo trực thuộc mới; sáp nhập tổ chức tôn giáo trực thuộc vào một tổ chức tôn giáo trực thuộc khác; hợp nhất các tổ chức tôn giáo trực thuộc thành một tổ chức tôn giáo trực thuộc mới.

2. Sau khi chia, tổ chức tôn giáo trực thuộc bị chia chấm dứt tồn tại; quyền, nghĩa vụ của tổ chức tôn giáo trực thuộc bị chia được chuyển giao cho các tổ chức tôn giáo trực thuộc mới.

3. Sau khi tách, tổ chức tôn giáo trực thuộc bị tách và tổ chức tôn giáo trực thuộc được tách thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình phù hợp với mục đích hoạt động.

4. Sau khi sáp nhập, tổ chức tôn giáo trực thuộc bị sáp nhập chấm dứt tồn tại; quyền và nghĩa vụ của tổ chức tôn giáo trực thuộc bị sáp nhập được chuyển giao cho tổ chức tôn giáo trực thuộc mà tổ chức đó được sáp nhập vào.

5. Sau khi hợp nhất, các tổ chức tôn giáo trực thuộc cũ chấm dứt tồn tại kể từ thời điểm tổ chức tôn giáo trực thuộc mới được thành lập; quyền và nghĩa vụ của tổ chức tôn giáo trực thuộc cũ được chuyển giao cho tổ chức tôn giáo trực thuộc mới.

(Còn nữa)

Vũ Thị Minh Ngân (Sở Tư pháp)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.