Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu một số quy định về đất đai được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Nghị định số 01/2017/NĐ-CP (Kỳ 2)

12:11, 25/06/2017

Câu 3. Cơ quan nào có thẩm quyền xác định loại đất ?

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền xác định loại đất đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, người Việt Nam định cư ở nước ngoài sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư;

- Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền xác định loại đất đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở. Trường hợp thu hồi đất thì cơ quan có thẩm quyền xác định loại đất là cơ quan có thẩm quyền thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

- Trường hợp thửa đất có cả đối tượng thuộc thẩm quyền xác định loại đất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện thì cơ quan xác định loại đất là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Câu 4. Cơ quan nào có thẩm quyền xác nhận nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Việc xác nhận này được thực hiện trong trường hợp nào?

Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (UBND cấp xã) nơi đăng ký hộ khẩu thường trú có trách nhiệm xác nhận hộ gia đình, cá nhân có thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp.

Trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất không cùng nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, thì UBND cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú xác nhận hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp, sau khi có văn bản xác nhận về việc sử dụng đất nông nghiệp của UBND cấp xã nơi có đất.

Việc xác nhận được thực hiện khi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp thực hiện thủ tục giao đất, đăng ký nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất.

Câu 5. Hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng dưới 10 ha đất trồng lúa sang mục đích khác để thực hiện dự án đầu tư thì cơ quan nào có thẩm quyền quyết định?

Trường hợp hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng dưới 10 ha đất trồng lúa sang mục đích khác để thực hiện dự án đầu tư thì Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng (khoản 1 Điều 58 Luật Đất đai năm 2013).

Đối với diện tích đất trồng lúa đã có Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua để sử dụng cho mục đích khác nhưng chưa có quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án thì được chuyển sang thực hiện trong các năm tiếp theo nhưng không được quá thời hạn 3 năm theo quy định tại khoản 3 Điều 49 của Luật Đất đai và không phải làm lại thủ tục trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua nếu tiếp tục thực hiện dự án.

Câu 6. Nếu có nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm của hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện theo quy định nào?

Khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm của hộ gia đình, cá nhân thực hiện theo quy định sau:

- Phải đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa với UBND cấp xã nơi có đất;

- UBND cấp xã nơi có đất xem xét quyết định loại cây trồng lâu năm được chuyển đổi. Việc chuyển đổi sang trồng cây lâu năm đó không làm mất đi các điều kiện phù hợp để trồng lúa trở lại như không làm biến dạng mặt bằng, không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa; không làm hư hỏng công trình giao thông, công trình thủy lợi phục vụ trồng lúa và phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây lâu năm của xã;

- Đất trồng lúa được chuyển đổi cơ cấu cây trồng đáp ứng các quy định nêu trên vẫn được thống kê là đất trồng lúa.

- Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định.

(Còn nữa)

Nguyễn Tuấn Quang (Sở Tư pháp)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.