Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu Luật Trợ giúp pháp lý 2017

15:58, 29/10/2017

Câu 1:  Luật Trợ giúp pháp lý 2017 ra đời trong bối cảnh nào?

Trước khi ban hành mới Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, chúng ta đã có Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006. Sau 9 năm triển khai thi hành, công tác trợ giúp pháp lý đã đạt được những kết quả đáng khích lệ: Toàn quốc đã có hơn một triệu lượt người được trợ giúp pháp lý; hệ thống tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý đã được hình thành trên toàn quốc với 63 Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước (Trung tâm) trực thuộc Sở Tư pháp, 202 chi nhánh của Trung tâm (Chi nhánh) ở cấp huyện và liên huyện, 364 tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý. Đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý được củng cố với 595 trợ giúp viên pháp lý, 1.239 cộng tác viên trợ giúp pháp lý là luật sư, 10.632 cộng tác viên khác tham gia trợ  giúp pháp lý.

Tuy nhiên, sau 9 năm triển khai Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 đã bộc lộ một số bất cập cần sửa đổi như diện người được trợ giúp pháp lý còn dàn trải; chất lượng vụ việc nhiều lúc còn chưa được bảo đảm, chưa chuyên nghiệp; mô hình, tổ chức bộ máy trợ giúp pháp lý còn cồng kềnh, hiệu quả xã hội hóa còn hạn chế…. Bên cạnh đó, nhiều đạo luật quan trọng mới được Quốc hội ban hành cũng đặt ra yêu cầu sửa đổi Luật Trợ giúp pháp lý cho tương thích, đồng bộ.

Câu 2: Luật Trợ giúp pháp lý 2017 mới được ban hành có hiệu lực vào thời điểm nào?

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018, cùng thời điểm các Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015... có hiệu lực thi hành.

Câu 3: Việc ban hành Luật Trợ giúp pháp lý 2017 dựa trên các quan điểm chỉ đạo nào của Đảng và Nhà nước?

Việc ban hành Luật Trợ giúp pháp lý 2017 dựa trên các quan điểm chỉ đạo sau:

1. Thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về các chính sách xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, dân tộc và quan điểm về quyền con người, quyền công dân trong giai đoạn phát triển mới.

2. Cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, đặc biệt là bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội; nguyên tắc tranh tụng trong xét xử; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan, nhất là các bộ luật, luật về tố tụng, tổ chức bộ máy và ngân sách.

3. Lấy quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý làm trung tâm; bảo đảm chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý theo hướng chuẩn hóa đội ngũ thực hiện trợ giúp pháp lý, nâng cao các điều kiện, tiêu chuẩn đội ngũ trợ giúp viên pháp lý; không thu hút những người không đủ tiêu chuẩn thực hiện trợ giúp pháp lý; huy động các nguồn lực xã hội tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý.

4. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý, tinh gọn tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý của Nhà nước; Nhà nước bảo đảm tính bền vững của công tác trợ giúp pháp lý theo hướng kiểm soát chặt chẽ chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý, đề cao hiệu quả sử dụng ngân sách và khuyến khích sự đóng góp, hỗ trợ tài chính của xã hội cho hoạt động trợ giúp pháp lý.

5. Kế thừa các quy định còn phù hợp và khắc phục những bất cập của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006, luật hóa một số định hướng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015 - 2025; luật hóa những quy định từ văn bản dưới luật mà thực tiễn áp dụng có kết quả tích cực; tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm nước ngoài phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước, tiếp tục nội luật hóa các quy định của điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Câu 4: Luật Trợ giúp pháp lý 2017 có bố cục ra sao so với Luật Trợ giúp pháp lý 2006?

Luật Trợ giúp pháp lý 2017 gồm 8 Chương, 48 Điều, cụ thể:

- Chương I: Những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 6) quy định về phạm vi điều chỉnh, khái niệm trợ giúp pháp lý, nguyên tắc hoạt động trợ giúp pháp lý, chính sách của Nhà nước về trợ giúp pháp lý, nguồn tài chính cho công tác trợ giúp pháp lý, các hành vi bị nghiêm cấm.

- Chương II: Người được trợ giúp pháp lý, quyền và nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý (từ Điều 7 đến Điều 9) quy định về người được trợ giúp pháp lý, quyền và nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý.

- Chương III: Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, quyền và nghĩa vụ của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý (từ Điều 10 đến Điều 16) quy định về tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý bao gồm Trung tâm và các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý,quyền và nghĩa vụ của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý.

- Chương IV: Người thực hiện trợ giúp pháp lý, quyền và nghĩa vụ của người thực hiện trợ giúp pháp lý (từ Điều 17 đến Điều 25) quy định về người thực hiện trợ giúp pháp lý, quyền và nghĩa vụ của người thực hiện trợ giúp pháp lý, các trường hợp không được tiếp tục thực hiện hoặc phải từ chối thực hiện trợ giúp pháp lý.

- Chương V: Phạm vi, lĩnh vực, hình thức và hoạt động trợ giúp pháp lý (từ Điều 26 đến Điều 39) quy định về phạm vi thực hiện trợ giúp pháp lý, lĩnh vực và hình thức trợ giúp pháp lý, quy trình thực hiện trợ giúp pháp lý từ tiếp nhận yêu cầu trợ giúp pháp lý đến thực hiện trợ giúp pháp lý, hồ sơ, lưu trữ hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý.

- Chương VI: Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức đối với hoạt động trợ giúp pháp lý (từ Điều 40 đến Điều 44) quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan.

- Chương VII: Giải quyết khiếu nại, tố cáo và tranh chấp (Điều 45 và Điều 46) quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo; giải quyết tranh chấp trong hoạt động trợ giúp pháp lý.

- Chương VIII: Điều khoản thi hành (từ Điều 47 đến Điều 48) quy định về hiệu lực thi hành, điều khoản chuyển tiếp, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.

Như vậy, Luật mới giữ nguyên số Chương và giảm 4 Điều so với Luật Trợ giúp pháp lý 2006.

(Còn nữa)

Phạm Thị Minh Phương

(Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh)


Ý kiến bạn đọc