Tìm hiểu Luật Trợ giúp pháp lý 2017 (Kỳ 3)
Câu 9: Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động trợ giúp pháp lý được Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định ra sao, có gì thay đổi so với Luật Trợ giúp pháp lý 2006?
Tại Điều 6 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định 2 nhóm hành vi bị nghiêm cấm đối với tổ chức, người thực hiện trợ giúp pháp lý và người được trợ giúp pháp lý, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý. Cụ thể:
1. Đối với tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý, nghiêm cấm có các hành vi sau đây:
a) Xâm phạm danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý; phân biệt đối xử người được trợ giúp pháp lý;
b) Nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác từ người được trợ giúp pháp lý; sách nhiễu người được trợ giúp pháp lý;
c) Tiết lộ thông tin về vụ việc trợ giúp pháp lý, về người được trợ giúp pháp lý, trừ trường hợp người được trợ giúp pháp lý đồng ý bằng văn bản hoặc luật có quy định khác;
d) Từ chối hoặc không tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý, trừ trường hợp quy định tại Luật này và quy định của pháp luật về tố tụng;
đ) Lợi dụng hoạt động trợ giúp pháp lý để trục lợi, xâm phạm quốc phòng, an ninh quốc gia, gây mất trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng xấu đến đạo đức xã hội;
e) Xúi giục, kích động người được trợ giúp pháp lý cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện trái pháp luật.
2. Đối với người được trợ giúp pháp lý, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý, Luật nghiêm cấm có các hành vi sau đây:
a) Xâm phạm sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của người thực hiện trợ giúp pháp lý và uy tín của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý;
b) Cố tình cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về vụ việc trợ giúp pháp lý;
c) Đe dọa, cản trở, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động trợ giúp pháp lý; gây rối, làm mất trật tự, vi phạm nghiêm trọng nội quy nơi thực hiện trợ giúp pháp lý.
Như vậy, Luật Trợ giúp pháp lý 2017 đã cơ bản giữ nguyên các nội dung về các hành vi bị nghiêm cấm so với Luật Trợ giúp pháp lý 2006. Một số nội dung được viết rõ, súc tích hơn: như tại Điều 9 Luật TGPL 2006 các điểm đ) Lợi dụng hoạt động trợ giúp pháp lý để trục lợi; e) Lợi dụng hoạt động trợ giúp pháp lý gây mất trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng xấu đến đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” được viết gọn lại thành điểm đ Điều 6 nêu trên. Tương tự như vậy, tại Khoản 2 điều 9 thì ngoài việc nghiêm cấm hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người thực hiện trợ giúp pháp lý thì Luật 2017 bổ sung thêm “sức khỏe, tính mạng” người thực hiện trợ giúp pháp lý và “uy tín” của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý; tại điểm c khoản 2 của Điều 9 đã sửa đổi, bổ sung quy định “Cản trở hoạt động trợ giúp pháp lý; gây rối, làm mất trật tự nơi thực hiện trợ giúp pháp lý” thành “Đe dọa, cản trở, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động trợ giúp pháp lý; gây rối, làm mất trật tự, vi phạm nghiêm trọng nội quy nơi thực hiện trợ giúp pháp lý” bảo đảm đầy đủ, sát đúng với thực tiễn hoạt động trợ giúp pháp lý hiện nay.
(Còn nữa)
Phạm Thị Minh Phương
(Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh)
Ý kiến bạn đọc