Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu Luật Trợ giúp pháp lý 2017 (Kỳ 4)

17:02, 19/11/2017

Câu 10: Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định về đối tượng hưởng trợ giúp pháp lý như thế nào?

Tại Điều 7, Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định diện người được trợ giúp pháp lý, gồm 7 nhóm người sau:

1. Người có công với cách mạng.

2. Người thuộc hộ nghèo.

3. Trẻ em.

4. Người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

5. Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.

6. Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo.

7. Người thuộc một trong các trường hợp sau đây có khó khăn về tài chính:

a) Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sỹ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sỹ còn nhỏ;

b) Người nhiễm chất độc da cam;

c) Người cao tuổi;

d) Người khuyết tật;

đ) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự;

e) Nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình;

g) Nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người;

h) Người nhiễm HIV.

Câu 11: Tại Khoản 7 Điều 7 nêu trên quy định 7 đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý với điều kiện phải có khó khăn về tài chính. Vậy điều kiện phải có khó khăn về tài chính được hiểu như thế nào? Có cần xác nhận thuộc hộ nghèo hay không?

Tại Khoản 7 Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 đã quy định rõ “'Chính phủ quy định chi tiết điều kiện khó khăn về tài chính của người được trợ giúp pháp lý quy định tại khoản này phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội”. Đến thời điểm hiện tại, các cơ quan có thẩm quyền đang soạn thảo Nghị định hướng dẫn nội dung này. 

Do người thuộc hộ nghèo đã được xác định thuộc diện hưởng hưởng trợ giúp pháp lý tại Khoản 2 Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 nên không trùng với nhóm người có khó khăn về tài chính tại Khoản 7 Điều 7 luật này. Nhóm người cần chứng minh điều kiện khó khăn về tài chính không thuộc trường hợp cần xác nhận hộ nghèo.  

Câu 12: So với Luật Trợ giúp pháp lý 2006 thì diện người được trợ giúp pháp lý có điểm gì khác?

Luật Trợ giúp pháp lý 2006 quy định 4 nhóm đối tượng hưởng trợ giúp pháp lý gồm:

1. Người nghèo.

2. Người có công với cách mạng.

3. Người già cô đơn, người tàn tật và trẻ em không nơi nương tựa.

4. Người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Nếu so sánh với Luật Trợ giúp pháp lý 2017 thì diện hưởng trợ giúp pháp lý tại Luật mới mở rộng hơn, tuy nhiên trong quá trình triển khai Luật Trợ giúp pháp lý 2006 và các văn bản pháp luật khác có liên quan (Như Luật Bình đẳng giới, Luật Người cao tuổi; Luật Người khuyết tật... và các Công ước quốc tế về trẻ em, về phòng chống nạn buôn bán người mà Việt Nam gia nhập hoặc ký kết) thì diện hưởng trợ giúp pháp lý tại Luật mới lại thu hẹp hơn do nhiều nhóm người trước đó cần có thêm điều kiện có khó khăn về tài chính mới được hưởng trợ giúp pháp lý như đã trình bày tại Khoản 7 Điều 7 Luật TGPL 2017.

Câu 13: Việc lựa chọn, mở rộng hoặc thu hẹp diện người được trợ giúp pháp lý tại Luật Trợ giúp pháp lý 2017 có ý nghĩa gì?

Việc lựa chọn những người được trợ giúp pháp lý quy định tại Điều 7 đã có sự cân nhắc kỹ về định hướng quy định đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý, phù hợp với bối cảnh điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trên cơ sở cân đối nguồn nhân lực và ngân sách, có tính toán đến nhu cầu của người được trợ giúp pháp lý để bảo đảm tính khả thi của pháp luật khi được ban hành và tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của các nước trên thế giới. Tuy nhiên, khi xác định diện người trợ giúp pháp lý về cơ bản đều hướng đến những đối tượng yếu thế, thực sự có khó khăn về tiếp cận pháp luật, khó khăn trong việc sử dụng các biện pháp cần thiết để tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

(Còn nữa)

Phạm Thị Minh Phương

(Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh)


Ý kiến bạn đọc