Tìm hiểu Luật Trợ giúp pháp lý 2017 (Kỳ 6)
Câu 17: Mô hình tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý tại Luật Trợ giúp pháp lý 2017 có điểm gì khác so với Luật cũ?
Luật Trợ giúp pháp lý 2017 ghi nhận:
Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý bao gồm Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước và tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý:
- Tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý bao gồm tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý và tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý.
+ Tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý bao gồm tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật ký kết hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Sở Tư pháp theo quy định của Luật này.
+ Tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý bao gồm tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này.
Như vậy, so với Luật Trợ giúp pháp lý 2006, thì ngoài việc giữ mô hình Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước và Tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý thì Luật mới đã bổ sung mô hình tổ chức ký hợp đồng với Sở Tư pháp để thực hiện trợ giúp pháp lý, gồm: các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật thực hiện trợ giúp pháp lý trong phạm vi hợp đồng. Điều này thể hiện sự làm rõ 2 cơ chế trợ giúp pháp lý rõ ràng, đó là trợ giúp pháp lý do Nhà nước tổ chức thực hiện, chịu trách nhiệm và dịch vụ pháp lý thiện nguyện của các tổ chức xã hội.
Câu 18: Các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật muốn thực hiện trợ giúp pháp lý trong phạm vi hợp đồng với Sở Tư pháp cần có những điều kiện gì?
Việc lựa chọn, ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý của tổ chức ký hợp đồng với Sở Tư pháp được ghi nhận tại Điều 14, theo đó: Căn cứ yêu cầu trợ giúp pháp lý và thực tiễn tại địa phương, Sở Tư pháp lựa chọn, ký kết hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với tổ chức có nguyện vọng và có đủ điều kiện sau đây:
a) Có lĩnh vực đăng ký hoạt động phù hợp với lĩnh vực trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý này;
b) Là tổ chức hành nghề luật sư; tổ chức tư vấn pháp luật có ít nhất 1 tư vấn viên pháp luật có 2 năm kinh nghiệm tư vấn pháp luật trở lên hoặc 1 luật sư làm việc thường xuyên tại tổ chức;
c) Có cơ sở vật chất phù hợp với hoạt động trợ giúp pháp lý;
d) Không đang trong thời gian thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật.
Câu 19: Việc xác định mô hình thực hiện trợ giúp pháp lý cũng như các điều kiện cần thiết (Điều 12) để lựa chọn, ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý có ý nghĩa gì?
Với sự sửa đổi, bổ sung mô hình, điều kiện, cơ chế đăng ký tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý như trên, Nhà nước ta hướng đến mục đích huy động được các luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật có kinh nghiệm, uy tín tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý đồng thời kiểm tra, giám sát, kiểm soát chất lượng do các chủ thể này thực hiện. Một mặt vừa tận dụng được trí tuệ, trình độ và nguồn lực trong xã hội, mặt khác góp phần làm giảm gánh nặng cho Nhà nước về tổ chức, biên chế, ngân sách đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa cán bộ và chi phí hành chính... san sẻ trách nhiệm của Nhà nước với xã hội. Như vậy, Luật Trợ giúp pháp lý mới đã chọn lọc, kế thừa yếu tố hợp lý từ quy định hiện hành, đồng thời mở rộng kênh để thu hút sự tham gia của các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật đối với hoạt động này hướng đến nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý, tạo điều kiện tốt nhất để người được Trợ giúp pháp lý hưởng lợi thông qua hoạt động này.
Câu 20: Việc cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý theo hình thức thiện nguyện theo Luật Luật sư và Nghị định số 77/2008/NĐ-CP về tư vấn pháp luật có phải thực hiện theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý này không?
Luật Trợ giúp pháp lý 2017 đã xác định các hoạt động trợ giúp pháp lý do Nhà nước tổ chức thực hiện cần tuân theo các quy định của Luật này về đối tượng trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện, hình thức, lĩnh vực trợ giúp pháp lý... Các tổ chức, cá nhân thực hiện trợ giúp pháp lý cần bảo đảm đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện nhằm bảo đảm chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý. Việc tham gia trợ giúp pháp lý của các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật được thực hiện thông qua cơ chế ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý và đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý. Các tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý được hưởng thù lao và chi phí thực hiện vụ việc. Như vậy, việc cung cấp dịch vụ pháp lý thiện nguyện của xã hội theo Luật Luật sư và theo Nghị định số 77/2008/NĐ-CP về tư vấn pháp luật cho người không thuộc đối tượng hưởng trợ giúp pháp lý thì không phải thực hiện theo quy định của Luật này.
(Còn nữa)
Phạm Thị Minh Phương
(Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh)
Ý kiến bạn đọc