Tìm hiểu Luật Trợ giúp pháp lý 2017 (Kỳ 7)
Câu 21: Ngoài việc giữ mô hình Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước và tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý thì Luật Trợ giúp pháp lý 2017 đã bổ sung mô hình tổ chức ký hợp đồng với Sở Tư pháp để thực hiện trợ giúp pháp lý, gồm: các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật thực hiện trợ giúp pháp lý trong phạm vi hợp đồng. Vậy hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý này thuộc loại hợp đồng gì?
Tại Điều 14 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý được ký kết giữa Sở Tư pháp và tổ chức luật sư, tư vấn pháp luật theo quy định của pháp luật về dân sự.
Câu 22: Các điều kiện cụ thể để tổ chức luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật ký kết Hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Sở Tư pháp là gì?
Tại Điều 14 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định: Căn cứ yêu cầu trợ giúp pháp lý và thực tiễn tại địa phương, Sở Tư pháp lựa chọn, ký kết hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với tổ chức có nguyện vọng và có đủ điều kiện sau đây:
a) Có lĩnh vực đăng ký hoạt động phù hợp với lĩnh vực trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này;
b) Là tổ chức hành nghề luật sư; tổ chức tư vấn pháp luật có ít nhất 1 tư vấn viên pháp luật có 2 năm kinh nghiệm tư vấn pháp luật trở lên hoặc 1 luật sư làm việc thường xuyên tại tổ chức;
c) Có cơ sở vật chất phù hợp với hoạt động trợ giúp pháp lý;
d) Không đang trong thời gian thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật.
Câu 23: Việc đăng ký tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý của tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật tự nguyện thực hiện trợ giúp pháp lý bằng nguồn lực của mình được quy định ra sao?
Tại Điều 15 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định:
Các tổ chức hành nghề luật sư có lĩnh vực hoạt động và cơ sở vật chất phù hợp, không đang trong thời gian thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật (quy định tại các điểm a, c và d khoản 2 Điều 14 Luật Trợ giúp pháp lý) thì đủ điều kiện đăng ký tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý;
Tương tự, tổ chức tư vấn pháp luật có đủ điều kiện quy định về lĩnh vực hoạt động, cơ sở vật chất và không đang trong thời gian thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật; có ít nhất 1 tư vấn viên pháp luật có 2 năm kinh nghiệm tư vấn pháp luật trở lên hoặc 1 luật sư làm việc thường xuyên tại tổ chức thì đủ điều kiện Đăng ký tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý.
Câu 24: Các quy định về điều kiện tham gia trợ giúp pháp lý của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý trong Luật Trợ giúp pháp lý 2017 thể hiện điều gì?
Các điều kiện tham gia trợ giúp pháp lý của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý trong Luật Trợ giúp pháp lý 2017 so với Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 đã được nâng lên, thể hiện mục đích nâng cao chất lượng dịch vụ và chuyên nghiệp hóa hoạt động trợ giúp pháp lý, tạo mọi điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho người thụ hưởng.
Câu 25: Cũng nhằm mục đích nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý, Luật Trợ giúp pháp lý 2017 đã bổ sung các quy định nào về điều kiện, tiêu chuẩn của trợ giúp viên pháp lý, cá nhân thực hiện trợ giúp pháp lý?
So với Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006, luật mới đã nâng cao tiêu chuẩn, điều kiện của trợ giúp viên pháp lý bảo đảm tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ tương đương luật sư, theo hướng bổ sung 2 quy định về điều kiện cấp thẻ Trợ giúp viên pháp lý (Điều 19, Điều 21) như sau: có Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư hoặc thuộc trường hợp được miễn đào tạo nghề theo quy định của Luật Luật sư; có Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư hoặc tập sự trợ giúp pháp lý.
Quy định như vậy nhằm khắc phục bất cập hiện nay về trình độ, kỹ năng, bản lĩnh nghề nghiệp của trợ giúp viên pháp lý. Ngoài ra, trợ giúp viên pháp lý phải tham gia các khóa tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ trợ giúp pháp lý là một giải pháp để nâng cao năng lực cho đội ngũ này.
Câu 26: Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định ra sao về cộng tác viên trợ giúp pháp lý, điểm khác so với Luật 2006 là gì?
So với Luật Trợ giúp pháp lý 2006, luật mới đã thu hẹp diện đối tượng được tham gia làm cộng tác viên trợ giúp pháp lý, bỏ đối tượng cộng tác viên là người thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi có bằng trung cấp luật hoặc có thời gian làm công tác pháp luật từ ba năm trở lên hoặc có kiến thức pháp luật và có uy tín trong cộng đồng; người là công chức trong các cơ quan tố tụng.
Chỉ ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, căn cứ nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân và điều kiện thực tế tại địa phương, Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước đề nghị Giám đốc Sở Tư pháp cấp thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý cho người có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 24 Luật Trợ giúp pháp lý.
Theo đó, các trợ giúp viên pháp lý; thẩm phán, thẩm tra viên ngành Tòa án; kiểm sát viên, kiểm tra viên ngành kiểm sát; điều tra viên; chấp hành viên, thẩm tra viên thi hành án dân sự; chuyên viên làm công tác pháp luật tại các cơ quan nhà nước... đã nghỉ hưu, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có phẩm chất đạo đức tốt, có sức khỏe, có nguyện vọng thực hiện trợ giúp pháp lý có thể trở thành cộng tác viên trợ giúp pháp lý. Cộng tác viên Trợ giúp pháp lý chỉ thực hiện tư vấn pháp luật (trước đây, cộng tác viên là luật sư được thực hiện tất cả các hình thức trợ giúp pháp lý (tư vấn, tham gia tố tụng, ngoài tố tụng, hòa giải...).
(Còn nữa)
Phạm Thị Minh Phương (Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh)
Ý kiến bạn đọc