Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 (Kỳ 7)

10:13, 25/02/2018
Câu 36: Chi phí gửi đơn thư trong quá trình khiếu nại, tố cáo được xác định như thế nào?
 
Chi phí gửi đơn thư đến cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền giải quyết được tính theo biên lai cước phí bưu chính với giá trị được xác định tại thời điểm thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường hoặc tại thời điểm Tòa án cấp sơ thẩm xác định giá trị thiệt hại.
 
Trường hợp người yêu cầu bồi thường không xuất trình được biên lai cước phí đối với các chi phí quy định tại điểm này thì chi phí được bồi thường không quá 01 tháng lương cơ sở tại thời điểm thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường hoặc tại thời điểm Tòa án cấp sơ thẩm xác định giá trị thiệt hại cho 01 năm tính từ thời điểm bắt đầu khiếu nại hoặc tố cáo hoặc tham gia tố tụng cho đến ngày có văn bản giải quyết bồi thường có hiệu lực của cơ quan có thẩm quyền.
 
Câu 37: Chi phí thuê người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại được xác định như thế nào?
 
Chi phí thuê người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại được thanh toán theo hợp đồng thực tế nhưng không quá mức thù lao do Chính phủ quy định đối với luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng và chỉ thanh toán cho một người bào chữa hoặc một người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại tại một thời điểm.
 
Câu 38: Chi phí đi lại để thăm gặp của thân nhân người bị tạm giữ, người bị tạm giam, người chấp hành án phạt tù được xác định như thế nào?
 
Chi phí đi lại để thăm gặp của thân nhân người bị tạm giữ, người bị tạm giam, người chấp hành án phạt tù trong tố tụng hình sự được xác định theo số người, số lần thăm gặp thực tế nhưng không quá số người, số lần được thăm gặp tối đa theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam, pháp luật về thi hành án hình sự. Trường hợp không chứng minh được số người, số lần thăm gặp thực tế thì chi phí này được xác định theo số người, số lần được thăm gặp tối đa theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam, pháp luật về thi hành án hình sự.
 
Câu 39: Khoảng thời gian làm căn cứ xác định chi phí được bồi thường được tính như thế nào?
 
Khoảng thời gian làm căn cứ xác định chi phí được bồi thường được tính từ ngày phát sinh thiệt hại thực tế cho đến ngày có văn bản giải quyết bồi thường có hiệu lực của cơ quan có thẩm quyền.
 
Câu 40: Đối với người bị thiệt hại là cá nhân thì việc khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp khác gồm những gì?
 
Người bị thiệt hại là cá nhân còn được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp sau đây:
- Khôi phục chức vụ (nếu có), việc làm và các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật có liên quan;
- Khôi phục quyền học tập;
- Khôi phục tư cách thành viên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
 
Câu 41: Đối với người bị thiệt hại là tổ chức thì việc khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp khác ra sao?
 
Người bị thiệt hại là tổ chức còn được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
 
Câu 42: Những tài sản nào được áp dụng biện pháp trả lại tài sản?
 
- Tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu trái pháp luật phải được trả lại ngay khi quyết định thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu bị hủy bỏ.
- Việc trả lại tài sản bị tạm giữ, tịch thu trái pháp luật trong hoạt động quản lý hành chính được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
- Việc trả lại tài sản bị kê biên trái pháp luật trong hoạt động thi hành án dân sự được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
- Việc trả lại tài sản bị thu giữ trái pháp luật trong hoạt động tố tụng được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng và quy định khác của pháp luật có liên quan.
 
(Còn nữa)
 
Thu Hà (Sở Tư pháp)
[links()]
 

Ý kiến bạn đọc