Tìm hiểu về Luật Lâm nghiệp (Kỳ 4)
Câu 21. Việc đóng, mở cửa rừng tự nhiên được thực hiện trong trường hợp nào?
Theo khoản 1 Điều 30 của Luật thì đóng cửa rừng tự nhiên được thực hiện trong các trường hợp sau:
- Tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái quy định của pháp luật diễn biến phức tạp, có nguy cơ làm suy giảm nghiêm trọng tài nguyên rừng;
- Rừng tự nhiên nghèo cần được phục hồi; đa dạng sinh học và chức năng phòng hộ của rừng bị suy thoái nghiêm trọng.
Theo khoản 2 Điều 30 của Luật thì trường hợp mở cửa rừng tự nhiên được thực hiện khi khắc phục được tình trạng đóng cửa rừng tự nhiên nêu trên.
Câu 22. Nhà nước có trách nhiệm gì khi đóng cửa rừng tự nhiên?
Theo Điều 32 của Luật, khi đóng cửa rừng tự nhiên Nhà nước có trách nhiệm sau:
- Nhà nước cấp kinh phí bảo vệ và phát triển rừng sản xuất là rừng tự nhiên trong giai đoạn đóng cửa rừng tự nhiên.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ cho chủ rừng khi thực hiện quyết định đóng cửa rừng tự nhiên của Thủ tướng Chính phủ;
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định hỗ trợ cho chủ rừng khi thực hiện quyết định đóng cửa rừng tự nhiên của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Câu 23. Quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng gồm những nội dung gì?
Theo Điều 39 của Luật thì phòng cháy và chữa cháy rừng gồm những nội dung sau:
- Chủ rừng phải lập và thực hiện phương án phòng cháy và chữa cháy rừng; chấp hành sự hướng dẫn, kiểm tra của cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền;
- Mọi trường hợp sử dụng lửa trong rừng, gần rừng để dọn nương rẫy, dọn đồng ruộng, chuẩn bị đất trồng rừng, đốt rừng mùa khô hanh hoặc dùng lửa vì mục đích khác, người sử dụng lửa phải thực hiện các biện pháp phòng cháy và chữa cháy rừng;
- Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tiến hành hoạt động trong rừng, xây dựng công trình ở trong rừng, ven rừng phải chấp hành quy định về phòng cháy và chữa cháy; thực hiện biện pháp phòng cháy và chữa cháy rừng của chủ rừng;
- Khi xảy ra cháy rừng, chủ rừng phải kịp thời chữa cháy rừng, thông báo ngay cho cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan; khắc phục hậu quả sau cháy rừng và báo cáo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm phối hợp chữa cháy rừng kịp thời;
- Trường hợp cháy rừng xảy ra trên diện rộng có nguy cơ gây thảm họa dẫn đến tình trạng khẩn cấp, việc chữa cháy rừng phải thực hiện theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp;
- Kiểm lâm chủ trì, phối hợp với lực lượng cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn hướng dẫn chủ rừng xây dựng phương án phòng cháy và chữa cháy rừng.
Câu 24. Việc phòng, trừ sinh vật gây hại rừng được quy định ra sao?
Theo Điều 40 của Luật thì phòng, trừ sinh vật gây hại rừng gồm:
- Việc phòng, trừ sinh vật gây hại rừng; nuôi và chăn, thả động vật vào rừng phải thực hiện theo quy định của Luật này, pháp luật về đa dạng sinh học, bảo vệ và kiểm dịch thực vật, thú y;
- Chủ rừng phải thực hiện các biện pháp phòng, trừ sinh vật gây hại rừng; khi phát hiện có sinh vật gây hại rừng trên diện tích rừng được giao, được thuê thì phải báo ngay cho cơ quan bảo vệ và kiểm dịch thực vật, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y gần nhất để được hướng dẫn và hỗ trợ biện pháp phòng, trừ; tăng cường áp dụng biện pháp lâm sinh, sinh vật trong phòng, trừ sinh vật gây hại rừng;
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm tổ chức dự báo tình hình dịch bệnh; chỉ đạo biện pháp phòng, trừ sinh vật gây hại rừng;
- Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức, chỉ đạo việc phòng, trừ sinh vật gây hại rừng tại địa phương, không để sinh vật gây hại rừng lây lan sang địa phương khác.
Câu 25. Tổ chức lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của chủ rừng; nhiệm vụ và quyền hạn của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng như thế nào?
Theo Điều 41 của Luật thì các đối tượng được tổ chức lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng gồm: Ban quản lý rừng đặc dụng, ban quản lý rừng phòng hộ nơi không thành lập kiểm lâm; doanh nghiệp nhà nước, tổ chức không thuộc lực lượng vũ trang được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng và đất rừng.
Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng có nhiệm vụ và quyền hạn sau:
- Tuần tra, kiểm tra về bảo vệ rừng, đất rừng quy hoạch cho lâm nghiệp;
- Thực hiện biện pháp phòng cháy và chữa cháy rừng;
- Thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; được sử dụng công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật.
(Còn nữa)
Hoàng Thị Hiền (Sở Tư pháp)
[links()]
Ý kiến bạn đọc