Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu về Luật Thủy sản (Kỳ 3)

08:15, 08/09/2018

Câu 9. Quyền của tổ chức cộng đồng đối với việc đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản được pháp luật quy định như thế nào?

Tổ chức cộng đồng có các quyền sau:

- Tổ chức, quản lý hoạt động nuôi trồng thủy sản, bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản, du lịch giải trí gắn với hoạt động thủy sản trong khu vực được giao quyền quản lý;

- Thực hiện tuần tra, kiểm tra hoạt động nuôi trồng thủy sản, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trong khu vực được giao quyền quản lý; yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm;

- Ngăn chặn hành vi vi phạm trong khu vực được giao quyền quản lý theo quy định của pháp luật và quy chế hoạt động của tổ chức cộng đồng;

- Được tham vấn đối với dự án, hoạt động có liên quan trực tiếp đến hệ sinh thái hoặc nguồn lợi thủy sản trong khu vực được giao quản lý;

- Hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật;

- Thành lập quỹ cộng đồng.

Câu 10. Tổ chức cộng đồng có trách nhiệm như thế nào đối với việc đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản?

Tổ chức cộng đồng có các trách nhiệm sau:

- Thực hiện đúng các nội dung được ghi trong quyết định công nhận và giao quyền quản lý quy định tại khoản 3 Điều này;

- Chấp hành quy định của pháp luật về hoạt động thủy sản; việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

- Phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện tuần tra, kiểm tra, thanh tra, điều tra, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm trong khu vực được giao;

- Báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền về hoạt động của tổ chức cộng đồng theo quy định.

Câu 11. Quyết định công nhận và giao quyền quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản bị thu hồi trong những trường hợp nào?

Quyết định công nhận và giao quyền quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản bị thu hồi khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Bị tẩy, xóa, sửa chữa nội dung của quyết định;

- Tổ chức cộng đồng giải thể theo quy chế hoạt động của tổ chức cộng đồng hoặc theo quy định của pháp luật;

- Tổ chức cộng đồng không thực hiện đúng phương án bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản hoặc quy chế hoạt động của tổ chức cộng đồng;

- Phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh hoặc công cộng theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

- Có hành vi vi phạm khác mà pháp luật quy định phải thu hồi quyết định.

Câu 12. Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản được lập dựa vào những căn cứ nào?

Căn cứ lập quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản bao gồm:

- Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; quốc phòng, an ninh;

- Chiến lược phát triển ngành thủy sản;

- Chiến lược khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo, bảo vệ môi trường; chiến lược về bảo tồn đa dạng sinh học;

- Quy hoạch tổng thể quốc gia;

- Quy hoạch không gian biển quốc gia;

- Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;

- Quy hoạch bảo vệ môi trường; Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học;

- Kết quả điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản;

- Thực trạng và dự báo nhu cầu khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản;

- Căn cứ khác theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

Câu 13. Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản gồm những nội dung gì?

Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản gồm các nội dung chủ yếu sau:

- Đánh giá hiện trạng quản lý, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản;

- Xác định mục tiêu, định hướng và xây dựng phương án tổng thể quản lý, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản;

- Vị trí địa lý, diện tích, ranh giới và bản đồ khu vực dự kiến thành lập khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản;

- Phân vùng khai thác thủy sản; số lượng tàu cá của từng loại nghề; biện pháp quản lý, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản;

- Giải pháp, chương trình, kế hoạch thực hiện; nguồn lực, tổ chức thực hiện quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản;

- Nội dung khác theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

(Còn nữa)

Nguyễn Thị Hương (Sở Tư pháp)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.