Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu về Luật Cạnh tranh

09:11, 23/03/2019
Câu 1. Luật Cạnh tranh năm 2004 được sửa đổi bổ sung năm 2018 trong hoàn cảnh nào?
 
Luật Cạnh tranh lần đầu tiên được Quốc hội khóa XI thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 3-12-2004 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2005. Sự ra đời của Luật Cạnh tranh năm 2004 đã đánh một dấu mốc quan trọng trong việc tạo lập hành lang pháp lý thống nhất cho các hoạt động cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường, đặc biệt là công cụ quan trọng để nhà nước kiểm soát các hành vi có tính chất phản cạnh tranh. Tuy nhiên, sau hơn 12 năm thi hành, với sự thay đổi của bối cảnh và điều kiện kinh tế - xã hội, môi trường pháp lý và xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, Luật Cạnh tranh năm 2004 đã dần bộc lộ những điểm hạn chế, bất cập nên cần phải được sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi, đáp ứng các yêu cầu thực tiễn.
 
Câu 2. Luật Cạnh tranh năm 2018 có bao nhiêu chương, điều và có hiệu lực pháp luật khi nào?
 
Luật Cạnh tranh số 23/2018/QH14 (gọi là Luật) được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 12-6-2018. Luật gồm 10 chương, 118 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2019.
 
Câu 3. Để đảm bảo việc thực thi các quy định có hiệu quả, Luật đã quy định phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng luật ra sao?
 
Phạm vi điều chỉnh: Luật này quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam; hành vi cạnh tranh không lành mạnh; tố tụng cạnh tranh; xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh; quản lý nhà nước về cạnh tranh.
 
Đối tượng áp dụng: Tổ chức, cá nhân kinh doanh (sau đây gọi chung là doanh nghiệp) bao gồm cả doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực thuộc độc quyền nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam; Hiệp hội ngành, nghề hoạt động tại Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan.
 
Câu 4. Luật Cạnh tranh năm 2018 quy định về quyền và nguyên tắc cạnh tranh trong kinh doanh như thế nào?
 
Doanh nghiệp có quyền tự do cạnh tranh theo quy định của pháp luật. Nhà nước bảo đảm quyền cạnh tranh hợp pháp trong kinh doanh.
 
Hoạt động cạnh tranh được thực hiện theo nguyên tắc trung thực, công bằng và lành mạnh, không xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, của người tiêu dùng.
 
Câu 5. Để tạo lập, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, nâng cao hiệu quả kinh tế, Nhà nước đã có những chính sách về cạnh tranh như thế nào?
 
Tạo lập, duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng, bình đẳng, minh bạch.
 
Thúc đẩy cạnh tranh, bảo đảm quyền tự do cạnh tranh trong kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
 
Tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế, phúc lợi xã hội và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
 
Tạo điều kiện để xã hội, người tiêu dùng tham gia quá trình giám sát việc thực hiện pháp luật về cạnh tranh.
 
Câu 6. Các hành vi bị nghiêm cấm có liên quan đến cạnh tranh được quy định trong Luật Cạnh tranh như thế nào?
 
Cơ quan nhà nước thực hiện hành vi gây cản trở cạnh tranh trên thị trường sau đây: Ép buộc, yêu cầu, khuyến nghị doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hiện hoặc không thực hiện việc sản xuất, mua, bán hàng hóa, cung ứng, sử dụng dịch vụ cụ thể hoặc mua, bán hàng hóa, cung ứng, sử dụng dịch vụ với doanh nghiệp cụ thể, trừ hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước hoặc trong trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật; phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp; ép buộc, yêu cầu, khuyến nghị các hiệp hội ngành, nghề, tổ chức xã hội - nghề nghiệp khác hoặc các doanh nghiệp liên kết với nhau nhằm hạn chế cạnh tranh trên thị trường; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động cạnh tranh.
 
Tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, vận động, kêu gọi, ép buộc hoặc tổ chức để doanh nghiệp thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh.
 
(Còn nữa)
 
Nguyễn Thị Diễm Hằng (Sở Tư pháp) 
 

Ý kiến bạn đọc