Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu về Luật Tố cáo năm 2018 (Kỳ 4)

07:32, 22/06/2019

Câu 18. Có phải tất cả mọi tố cáo đều được thụ lý không?

Không. Tố cáo được thụ lý khi có đủ 4 điều kiện sau đây: (1) Tố cáo được thực hiện theo trình tự, thủ tục của pháp luật; (2) Người tố cáo có đủ năng lực hành vi dân sự; trường hợp không có đủ năng lực hành vi dân sự thì phải có người đại diện theo quy định của pháp luật; (3) Vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tố cáo; (4) Nội dung tố cáo có cơ sở để xác định người vi phạm, hành vi vi phạm pháp luật.

Trường hợp tố cáo xuất phát từ vụ việc khiếu nại đã được giải quyết đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật nhưng người khiếu nại không đồng ý mà chuyển sang tố cáo người đã giải quyết khiếu nại thì chỉ thụ lý tố cáo khi người tố cáo cung cấp được thông tin, tài liệu, chứng cứ để xác định người giải quyết khiếu nại có hành vi vi phạm pháp luật.

Câu 19. Khi nào thì người tố cáo biết việc tố cáo của mình được thụ lý?

Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định thụ lý tố cáo, người giải quyết tố cáo có trách nhiệm thông báo cho người tố cáo biết về việc thụ lý tố cáo.

Câu 20. Thời hạn giải quyết tố cáo là bao lâu?

Theo quy định của Luật Tố cáo năm 2018 thì thời hạn giải quyết tố cáo là không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo. Đối với vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày. Đối với vụ việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày.

Câu 21. Có được rút tố cáo không?

Có. Người tố cáo có quyền rút toàn bộ nội dung tố cáo hoặc một phần nội dung tố cáo, tuy nhiên việc rút tố cáo chỉ được thực hiện trước khi người giải quyết tố cáo ra kết luận nội dung tố cáo. Việc rút tố cáo phải được thực hiện bằng văn bản.

Câu 22. Nội dung tố cáo được giải quyết như thế nào trong trường hợp người tố cáo rút tố cáo?

Trường hợp người tố cáo rút một phần nội dung tố cáo thì phần còn lại được tiếp tục giải quyết theo quy định; trường hợp người tố cáo rút toàn bộ nội dung tố cáo thì đình chỉ việc giải quyết tố cáo. Trường hợp nhiều người cùng tố cáo mà có một hoặc một số người tố cáo rút tố cáo thì tố cáo vẫn tiếp tục được giải quyết theo quy định. Trường hợp người tố cáo rút tố cáo mà người giải quyết tố cáo xét thấy hành vi bị tố cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ xác định việc rút tố cáo do bị đe dọa, mua chuộc hoặc người tố cáo lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo thì vụ việc tố cáo vẫn phải được giải quyết.

Câu 23. Người rút tố cáo có phải chịu trách nhiệm gì không?

Người đã rút tố cáo thì không được hưởng quyền và không phải thực hiện nghĩa vụ theo quy định về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo nữa. Tuy nhiên nếu có căn cứ xác định người tố cáo lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo thì vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi tố cáo của mình, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Câu 24. Việc tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo được quy định như thế nào?

Theo quy định của Luật Tố cáo năm 2018 thì người giải quyết tố cáo ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo khi có một trong các căn cứ sau đây: (1) Cần đợi kết quả giải quyết của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hoặc đợi kết quả giải quyết vụ việc khác có liên quan; (2) Cần đợi kết quả giám định bổ sung, giám định lại. Khi căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo không còn thì người giải quyết tố cáo ra ngay quyết định tiếp tục giải quyết tố cáo; thời gian tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo không tính vào thời hạn giải quyết tố cáo.

(Còn nữa)

Vũ Thị Minh Ngân (Sở Tư pháp)

 

[links()]

 


Ý kiến bạn đọc