Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu về Luật Chăn nuôi (Kỳ cuối)

08:55, 25/08/2019

Câu 24. Để đảm bảo đối xử nhân đạo với vật nuôi trong chăn nuôi, Luật Chăn nuôi quy định các tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi phải thực hiện các yêu cầu gì?

Theo quy định tại Điều 69 Luật Chăn nuôi, tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi phải thực hiện các yêu cầu sau đây:

1. Có chuồng trại, không gian chăn nuôi phù hợp với vật nuôi;

2. Cung cấp đủ thức ăn, nước uống bảo đảm vệ sinh;

3. Phòng bệnh và trị bệnh theo quy định của pháp luật về thú y;

4. Không đánh đập, hành hạ vật nuôi.

Câu 25. Tổ chức, cá nhân vận chuyển vật nuôi phải thực hiện các yêu cầu nào để đảm bảo quy định đối xử nhân đạo với vật nuôi trong vận chuyển?

Để đảm bảo đối xử nhân đạo với vật nuôi trong vận chuyển, Điều 70 Luật Chăn nuôi quy định tổ chức, cá nhân vận chuyển vật nuôi phải thực hiện các yêu cầu sau đây:

1. Sử dụng phương tiện, trang thiết bị vận chuyển vật nuôi phù hợp, bảo đảm không gian thông thoáng, hạn chế chấn thương, sợ hãi cho vật nuôi;

2. Cung cấp đủ thức ăn, nước uống cho vật nuôi;

3. Không đánh đập, hành hạ vật nuôi.

Câu 26. Luật Chăn nuôi quy định các cơ sở giết mổ đối xử nhân đạo đối với vật nuôi trong giết mổ như thế nào?

Thực hiện quy định đối xử nhân đạo với vật nuôi trong giết mổ, Điều 71 Luật Chăn nuôi quy định cơ sở giết mổ vật nuôi phải thực hiện các yêu cầu sau đây:

1. Có nơi lưu giữ vật nuôi bảo đảm vệ sinh; cung cấp nước uống phù hợp với vật nuôi trong thời gian chờ giết mổ;

2. Hạn chế gây sợ hãi, đau đớn cho vật nuôi; không đánh đập, hành hạ vật nuôi;

3. Có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ; không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ.

Câu 27. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về quản lý nhà nước về chăn nuôi được quy định như thế nào trong Luật Chăn nuôi?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 80 Luật chăn nuôi thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây:

1. Thực hiện quản lý nhà nước về chăn nuôi thuộc phạm vi quản lý;

2. Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn, tổ chức thi hành pháp luật về chăn nuôi trên địa bàn; xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chăn nuôi;

3. Xây dựng nội dung chiến lược phát triển chăn nuôi của địa phương phù hợp với chiến lược phát triển chăn nuôi trên phạm vi cả nước và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;

4. Xây dựng và tổ chức vùng chăn nuôi, sản xuất và chế biến thức ăn chăn nuôi tập trung gắn với xử lý chất thải, bảo vệ môi trường;

5. Chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, phổ biến, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, giáo dục pháp luật về chăn nuôi;

6. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật theo thẩm quyền và phối hợp xử lý vi phạm pháp luật về chăn nuôi trên địa bàn;

7. Giao đất, cho thuê đất, tạo quỹ đất, bảo đảm nguồn nước để phát triển chăn nuôi và trồng cây nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, cơ sở giết mổ tập trung theo thẩm quyền; cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi đối với trang trại chăn nuôi quy mô lớn;

8. Trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi, quyết định vùng nuôi chim yến và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi.

 Châu Thị Thu Thủy (Sở Tư pháp)

[links()]


Ý kiến bạn đọc